Sáng 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam làm việc tại hội trường, thảo luận các văn kiện đại hội.
Bên hành lang kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Tân Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chia sẻ với phóng viên về những kỳ vọng và mong muốn nhằm góp phần hiện thực hóa các Báo cáo chính trị Đại hội.
- Thưa đại biểu, xin ông cho biết cảm xúc khi được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII? Tại Đại hội, điều mà ông quan tâm là gì?
Với một niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, khi là đại biểu đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi rất phấn khởi và tự hào.
Các đại biểu dự phiên tham luận tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng 27/1. (Ảnh: TTXVN)
Tại Đại hội XIII, chúng tôi đặc biệt quan tâm về các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, đó là đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao vào những năm giữa thế kỷ 21.
Bên cạnh đó, tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển kinh tế biển.
Có thể nói rằng trong suốt thời gian vừa qua kinh tế biển được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, lợi thế của kinh tế biển đối với Việt Nam vẫn chưa được khai thác một cách toàn diện, do vậy tôi nghĩ từ Đại hội XIII, kinh tế biển sẽ xác định đúng với các mục tiêu: “Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trọng yếu và thiết thực.”
- Hiện nay nhiều địa phương đang tập trung phát triển kinh tế biển. Vậy theo đại biểu, làm thế nào để tạo ra sự liên kết trong phát triển kinh tế biển của cả nước?
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, các tỉnh, các khu vực cần phải có một liên kết thật sự mạnh mẽ và tạo ra mối liên kết “hiệp đồng tác chiến” có hiệu quả.
Ông Nguyễn Tân Tuân
Hiện nay, liên kết phát triển kinh tế biển thể hiện được mấy vấn đề. Thứ nhất là trong quy hoạch cảng biển. Chỉ khi chúng ta tổ chức quy hoạch cảng biển thì mới có sự điều phối các nguồn hàng, tránh sự lãng phí như thời gian vừa qua.
Thứ 2 là liên kết để phát triển du lịch biển. Mỗi địa phương cần phải có hình thái, tổ chức khác nhau để làm sao khi khách du lịch đến với vùng Nha Trang có cảm nhận khác biệt khi đến với Vũng Tàu hay Quảng Ninh.
Như vậy trong chiến lược phát triển kinh tế biển, các tỉnh, các khu vực cần phải có một liên kết thật sự mạnh mẽ và tạo ra mối liên kết “hiệp đồng tác chiến” có hiệu quả thì lúc đó kinh tế biển mới đem đến hiệu quả cao nhất.
- Trong phiên thảo luận hôm nay, đại biểu quan tâm đến nội dung nào nhất?
Trong quá trình tham gia thảo luận, chúng tôi đặc biệt quan tâm và thấy rằng báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII rất thuyết phục, đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót nhất là trong công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và công tác điều hành.
Một số các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cũng đã triển khai, thực hiện rất có hiệu quả, song có một số công trình trọng điểm quốc gia vẫn còn những tồn tại.
Ngoài ra, các đại biểu cũng rất quan tâm đến công tác Xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, tổ chức chính trị và đặc biệt là hệ thống chính trị của chúng ta ngày càng đổi mới, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Có như vậy thì các chính sách, Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
- Đại hội 13 tiếp tục xác định 3 khâu đột phá. Vậy trong 3 khâu đột phá lần này có điểm gì mới mà ông tâm đắc?
Điều chúng tôi rất quan tâm là giai đoạn để xây dựng một nước phát triển theo xu hướng công nghiệp hiện đại và người dân có thu nhập cao đã chia ra ở từng nhiệm kỳ. Ví dụ, từ nay đến 2025 chúng ta dần dần xây dựng có công nghiệp cao, giảm dần tỷ trọng phát triển nông nghiệp, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao thì lúc đó chúng ta mới tạo tiền đề vững chắc. Cho tới năm 2030 và giữa thế kỷ 21, chúng ta cơ bản là nước công nghiệp và là nước phát triển, có thu nhập cao...
Đặt ra mục tiêu đó, tôi nghĩ trong phương hướng, Chương trình hành động của Chính phủ mới (nhiệm kỳ 2021-2026) phải bám sát vào Nghị quyết Đại hội XIII. Khi đó, các chương trình phát triển kinh tế mới đảm bảo phát triển theo đúng mục tiêu của Đại hội đề ra.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
- Vậy 3 khâu đột phá như trên, với tỉnh Khánh Hòa sẽ vận dụng các khâu đột phá thế nào?
Chúng tôi tận dụng khâu đột phá thứ 3 tức là về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho một nền công nghiệp, dịch vụ thực sự có chất lượng.
Qua đại dịch COVID-19, chúng ta thấy nguồn lực của du lịch, dịch vụ và thương mại còn có vấn đề. Do vậy, chúng ta phải chuyển hướng gấp cho việc mở rộng các khu công nghiệp và các ngành công nghệ cao để làm sao nguồn nhân lực có thể đáp ứng được theo xu thế phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Công tác nhân sự đã được chuẩn bị rất kỹ, qua 5 bước. Vậy đại biểu gửi gắm gì đến công tác nhân sự tại Đại hội XIII?
Tôi rất tin tưởng các quy trình làm công tác cán bộ và đặc biệt là quy trình nhân sự cho Đại hội XIII đã được chuẩn bị ngay từ ở cấp cơ sở.
Do đó, tôi rất tin tưởng vào chất lượng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII chuẩn bị và báo cáo Đề án rất kỹ, khi đó mỗi đại biểu suy nghĩ để mà chọn đúng những người đủ tài, đủ đức, tham gia vào Ban Chấp hành khóa XIII để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.