Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại học Bách khoa Hà Nội giảm độ khó đề thi đánh giá tư duy 2023

(VTC News) -

PGS.TS Vũ Duy Hải, đại diện Phòng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, bài thi đánh giá tư duy năm tới sẽ giảm độ khó so với các năm trước.

Để đáp ứng mục tiêu trên, từ 2023 trở đi, cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, giảm từ 270 phút xuống còn 150 phút, xoá bỏ tư duy theo tổ hợp môn học (từ Toán + Đọc hiểu + Khoa học tự nhiên + tiếng Anh thành nội dung đánh giá tư duy Toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề).

Trường dự kiến thi 3 đợt. Đợt 1, 2 tổ chức vào tháng 5, 6/2023 tại Hà Nội. Đợt 3 vào tháng 7/2023 (sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT) tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang…). Trước đây kỳ thi này chỉ tổ chức thi 1 đợt/năm.

PGS.TS Vũ Duy Hải, đại diện Phòng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội.

Các bài thi trắc nghiệm được thí sinh thực hiện hoàn toàn trên máy tính trong thời gian một buổi (150 phút) thay vì thi trên giấy như các năm trước, không giới hạn đối tượng dự thi, số lần dự thi.

Kỳ thi không giới hạn số lần dự thi và đối tượng. Các em sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi (thời hạn trong 2 năm) dùng để xét tuyển vào các trường đại học trên cả nước nếu có nhu cầu.

Với sự điều chỉnh này, các trường khối ngành khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược… có thể sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh đầu vào.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, để chuẩn bị cho đổi mới kỳ thi đánh giá tư duy từ 2023 trở đi, trường tập hợp, liên kết nhiều thầy cô giáo THPT, chuyên gia giáo dục để xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Dự kiến tới năm 2027, ngân hàng câu hỏi này sẽ được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi mở rộng cho nhiều đối tượng học sinh, thi nhiều đợt… Còn với kỳ thi năm 2023 tới, đến tháng 1, trường sẽ công bố đề minh hoạ, các câu hỏi không còn nhiều sự thách đố, ngăn việc học mẹo và không quá khó như với trước đây, đại trà học sinh sẽ làm tốt được đề thi.

Với vai trò là chuyên gia đánh giá khung đề thi tư duy từ 2023 trở đi, bà Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục cho rằng, các kỳ thi đánh giá tư duy sẽ ngày càng trở nên phố biến. Đây là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, giống như các kỳ thi SAT, ACT…

Các trường đại học khi xét tuyển thí sinh thông qua bài thi tư duy sẽ chọn được các ứng viên khác nhau ở từng trình độ mà trường mong muốn.

Nhìn chung, bài thi tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có 4 kiểu câu hỏi trắc nhiệm: câu hỏi trắc nghiệm nhiều đáp án, kéo thả, điền vào chỗ trống, chọn đáp án đúng sai… Đề thi chia làm 3 mức đánh giá tư duy: mức độ tái hiện (đo lượng khả năng, nhớ lại kiến thức đơn giản, câu hỏi k yêu cầu học sinh nhớ câu hỏi phức tạp), mức độ suy luận (học sinh cần có khả năng lập luận, so sánh, phân loại, tư duy và đáp ứng được yêu cầu phân tích, tóm tắt nội dung câu hỏi,), mức độ cao nhất là tư duy bậc cao (học sinh phải thiết lập và giải thích được những vấn đề, nguồn dữ liệu do đề bài đặt ra).

"Như vậy, so với các đề thi tư duy cũ, khung đề thi mới này mở hơn, rộng kiến thức hơn và giảm độ khó rõ rệt", bà Thơ nhấn mạnh.

Là một trong những trường có tỷ lệ học sinh tham gia kỳ thi tư duy cao nhất năm 2022, ông Tạ Xuân Hoà, Phó hiệu trưởng THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) đề xuất, với phần Tư duy đọc hiểu ở đề thi dự kiến năm 2023, trường cần bổ sung thêm câu hỏi, nội dung văn bản chính luận để đánh giá toàn diện hơn kỹ năng tư duy lập luận của học sinh.

Cùng với đó, một số nội dung, kỹ năng trong phần thi này còn xa lạ với học sinh phổ thông, do vậy, ông mong nhà trường cần thêm các câu hỏi khái quát, không quá xa lạ để học sinh làm quen. Ông cũng đề nghị trường tăng cường thêm các câu hỏi đọc hiểu, vận dụng cho học sinh.

Ở phần Tư duy khoa học và giải quyết vấn đề, Hiệu phó trường THPT Ngô Quyền đề nghị trường ra đề thi minh hoạ chi tiết hơn vào các hiện tương, vấn đề, nội dung để dễ dàng ôn tập.

"Đại học Bách khoa Hà Nội sớm công khai đáp án sau mỗi lần thi để học sinh tham khảo, biết điểm yếu để tập trung ôn tập, khắc phục, đạt kết quả cao hơn ở những kỳ thi sau", ông nói.

Vị này cũng đưa ra 2 đề nghị với Đại học Bách khoa Hà Nội. Một là đảm bảo, xác định tính ổn định của kỳ thi. Hai là sớm công bố danh sách các trường đại học sẽ dùng kết quả kỳ thi đánh gia tư duy của trường để xét tuyển đầu năm 2023, các em sẽ có thời gian chuẩn bị, đặt mục tiêu.

Kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa 2022 tổ chức với 6.271 thí sinh dự thi phần thi Toán + Đọc hiểu, 5.158 thí sinh dự thi phần thi Khoa học tự nhiên và 2.608 thí sinh dự thi phần thi tiếng Anh.

Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình (dưới 15 điểm) là 2.356 thí sinh (chiếm tỷ lệ 45,68%), không có thí sinh nào đạt điểm tối đa của tổ hợp này (30 điểm). Khoảng 25,57% thí sinh điểm từ 18 trở lên và 8,12% thí sinh điểm từ 21 trở lên. Điểm cao nhất của tổ hợp này là 27,37 điểm (1 thí sinh).

Hà Cường

Tin mới