Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại cử tri: Lớp màng lọc đặc biệt trong hệ thống bầu cử Mỹ

(VTC News) -

PGS.TS Võ Trí Hảo so sánh đại cử tri đoàn của Mỹ như một lớp màng để hạn chế bớt tác động của dân túy trong quá trình bầu cử.

Trong cuộc trao đổi với VTC xoay quanh cuộc tranh luận phó tổng thống, PGS.TS Võ Trí Hảo có những phân tích về cách thức vận hành hệ thống chính trị Mỹ cũng như quy trình bỏ phiếu đặc biệt trong bầu cử nước này. 

Đại cử tri đoàn

Đại cử tri từ lâu được xem là đặc trưng riêng của cơ chế bầu cử Mỹ. Nhiều ý kiến lo ngại hình thức bỏ phiểu này sẽ ảnh hưởng tới tính dân chủ mà Mỹ từ lâu vẫn đề cao. Tuy nhiên, ông Hảo cho rằng nhiều người hiện nay hiểu nhầm dân chủ là số đông. Trong khi dân chủ hiện đại nhằm mục đích phát huy được ý muốn của đa số, nó vẫn phải bảo vệ lợi ích của thiểu số, giá trị nhận thức chung. 

Vị PGS phân tích, theo Hiến pháp Mỹ, bản thân từng người dân không đi bầu cử trực tiếp tổng thống vì lo ngại dẫn tới dân túy. Thay vào đó, mỗi tiểu bang tự chọn các đại cử tri. Các đại cử tri đó sẽ có trách nhiệm chọn tổng thống.

PGS.TS Võ Trí Hảo, Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TP. HCM.

"Hình thức bầu cử này loại bớt dân túy ở chỗ ý chí nguyện vọng của người dân Mỹ không phản ánh trực tiếp mà qua màng lọc là các đại cử tri. Đại cử tri về mặt nguyên tắc phải là đại biểu trung thành cho cử tri nên vẫn phải bỏ phiếu theo ý kiến cử tri. Nhưng đại cử tri hoạt động như màng lọc để hạn chế bớt tác động của dân túy", ông Hảo phân tích. 

Cả nước Mỹ hiện có 538 đại cử tri. Số đại cử tri của mỗi bang tương ứng số Thượng Nghị sỹ và hạ sỹ nghị sỹ của mỗi bang trong Quốc hội Mỹ. Thủ đô Washington không có nghị sỹ trong Quốc hội nhưng vẫn có 3 phiếu đại cử tri. Bang chiếm nhiều đại cử tri nhất là California với 55, tiếp đó là Texas - 38, New York - 29. Các bang có ít đại cử tri nhất là Alaska, Delaware, Montana, North Dakota, South Dakota, Vermont, Wyoming, tất cả chỉ được bầu ra 3. 

Trên thực tế số phiếu đại cử tri được tính theo nguyên tắc ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông (50,1% số phiếu phổ thông trở lên) sẽ được trao 100% số phiếu Đại cử tri của tiểu bang đó. Điều này đồng nghĩa một ứng viên có thể trở thành Tổng thống kể cả khi họ thua phiếu phổ thông so với đối thủ. 

Minh chứng rõ ràng nhất cho trường hợp "tréo ngoe" này là cuộc bầu cử năm 2016 khi "ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump" đắc cử dù ông thua đối thủ Hillarry tới 2 triệu lá phiếu phổ thông. 

Nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị Mỹ

Theo ông Hảo, về mặt lý thuyết thì bất cứ ai cũng có quyền ứng cử Tổng thống Mỹ và thành lập đảng. Nhưng thực tế ở nước Mỹ lại phân thành 2 đảng chính.

Lý do theo ông là bởi ở thời điểm lập quốc, trong bối cảnh sẵn sàng cho chiến tranh chống Anh quốc, 13 tiểu bang Mỹ cần phải bầu ra 1 Tổng thống mạnh. Khi đó, nếu hệ thống quá nhiều đảng sẽ dẫn tới đấu đá nội bộ nên thiết kế quy tắc bầu cử hình thành nên 2 đảng. 

"Như vậy, cơ chế bầu cử Mỹ tạo ra sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh ở đây không quá đa đảng vì khi quá nhiều đảng sẽ gây bối rối với cử tri. Điều này có thể dẫn tới những quyết định sai lầm", ông cho hay. 

Vị chuyên gia về Hiến pháp phân tích, tinh thần xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp Mỹ cũng như trong hệ thống xã hội nước này là cạnh tranh.

Dưới góc độ pháp lý, Tổng thống Mỹ có rất nhiều quyền nhưng lại chỉ có quyền trong Hiến pháp. Tổng thống Mỹ không có quyền ngoài Hiến pháp, bởi khi vượt ngoài Hiến pháp sẽ có các cơ chế để phanh lại. 

"Ở nhiều quốc gia khác, quyền của các nguyên thủ quốc gia viết trong hiến pháp rất ít. Nhưng các lãnh đạo lại dùng quyền để đánh cắp, thao túng quyền lực dẫn tới lạm quyền, độc tài. Ở Mỹ, hiến pháp là luật cứng, không có cơ hội làm trái hiến pháp. Trong khi ở quốc gia khác, hiến pháp một đằng nhưng thực thi một nẻo nhưng có những văn bản khác viết đè lên hiến pháp", ông cho biết.

Vị PGS nói thêm rằng nhiều nước học tập hình thức "Tổng thống chế" của Mỹ để đưa về áp dụng. Nhưng do không có "chế độ hãm phanh" quyền lực nên dẫn tới chuyên quyền, độc tài.

Song Hy

Tin mới