Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội: Không để một xe bị quản lý bởi hai luật

(VTC News) -

Dẫn ví dụ vấn đề xe đưa đón học sinh đang được quy định trong cả 2 dự thảo luật, ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Đường bộ rà soát, tránh trùng lặp.

Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 24/11, nhiều đại biểu đề nghị cần rà soát các nội dung trong dự án Luật Đường bộ, tránh trùng lắp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Không để một xe bị quản lý bởi hai luật

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) tán thành xây dựng 2 Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đại biểu Dũng nhận thấy, trong quá trình xây dựng còn nhiều vấn đề cần phân biệt rõ để chuyển sang một luật hay để trong hai luật.

Ông nêu ví dụ vấn đề xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ điều 72 khoản 2 quy định lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách nhưng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định về người quản lý trong trường hợp xe chở học sinh tiểu học và mầm non; với xe trên 24 chỗ phải có hai người quản lý trở lên.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng. (Ảnh: Quochoi.vn).

“Một xe chở học sinh nhưng lại được quản lý bằng hai luật. Vậy khi thực tế áp dụng thì sẽ phiền phức, khó khăn với cả người tổ chức kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý, nên đưa quy định về thâm niên người lái xe vận tải học sinh về luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ”, đại biểu Dũng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. 

Tuy nhiên, theo bà Thoa, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.

Liên quan vấn đề xe đưa đón học sinh, bà Thoa cho rằng, còn một số quy định chưa hợp lý. Bà nêu dẫn chứng, việc quy định hoạt động đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là hoạt động vận tải nội bộ là chưa hợp lý vì điều 61 khoản 13 của dự thảo luật quy định hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận tải người, hàng hoá trên đường bộ.

“Trong khi đó, các trường học đều phải thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh. Trong nhiều trường hợp, khó phân biệt đây có phải hoạt động kinh doanh hay không. Do vậy, tôi đề nghị quy định rõ với dịch vụ đưa đón học sinh thì người đứng ra tổ chức hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là nhà trường, tránh tình trạng giao cho ban phụ huynh thực hiện”, đại biểu Thoa nói. 

Không để trạm thu phí một nơi lại thu cho một nơi khác

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) ghi nhận dự thảo luật được chuẩn bị công phu, toàn diện với sự cố gắng tách một luật thành hai luật, tuy nhiên vẫn còn một số điều trùng lặp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. (Ảnh: Quochoi.vn).

Vị đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, chính sách phát triển đường bộ còn khá chung chung, đề nghị cân nhắc hoàn thiện Điều 5 dự thảo Luật.

Về trạm thu phí đường bộ, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị quy định rõ nơi đặt trạm, tránh trường hợp trạm ở một nơi lại thu cho một tuyến đường khác.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị rà soát để thể hiện lại để tránh quá cụ thể, bảo đảm phổ quát hơn. Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng một số hành vi này chi phối bởi đạo đức nên có thể cho các thiết chế văn hóa lên tiếng liên quan đến vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Điều 24 về xây dựng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật, Điều 32 về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hay các điều quy định về đường cao tốc…cần lồng ghép điều khoản về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về Điều 50, tại khoản 7 có nêu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi xây dựng cao tốc, đại biểu Huân cho biết nội dung này đã quy định rất cụ thể trong Luật Đất đai, do đó đề nghị không nên đưa vào Luật Đường bộ.

Sớm chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án luật

Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội đóng góp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Quochoi.vn).

Về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, xem xét, phân tích đánh giá tác động trong trường hợp phát sinh thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này.

Mức thu sẽ được xác định theo từng tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc, đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và nhà nước. 

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Ban soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu. Đồng thời, qua thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng để chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án luật và sớm trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

PHẠM DUY

Tin mới