Tại phiên họp ngày 14/12, các đại biểu đã tham gia ý kiến vào 2 Tờ trình liên quan đến đầu tư công gồm: Tờ trình về việc đề nghị điều chỉnh và giao vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (đợt 8); Nhất trí với nội dung Tờ trình về việc đề nghị điều chỉnh và giao vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (đợt 8).
Đại biểu Phan Tiến Dũng (Tổ Đại biểu TP Phúc Yên) trình bày quan điểm, tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư tư nhân.
“Qua nghiên cứu kế hoạch đầu tư công cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 tôi nhận thấy việc triển khai thực hiện kế hoạch được tiến hành theo các nguyên tắc: Thứ nhất, tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước cho chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên.
Thứ hai, phân bổ vốn đầu tư tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm, các công trình có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội trên nguyên tắc sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả, tạo điểm nhấn về phát triển đô thị và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, Đại biểu Phan Tiến Dũng trình bày.
Đại biểu Phan Tiến Dũng. (Ảnh: Lương Giang)
Cũng theo Đại biểu Phan Tiến Dũng, Vĩnh Phúc cần phấn đấu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được duyệt. Đồng thời tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, triển khai chậm, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Năm 2024 được xác định là năm quan trọng để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Đại biểu Phan Tiến Dũng cho rằng cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết, sớm giao Kế hoạch đầu tư công năm 2024 đến các công trình/dự án ngay trong tháng 12/2023; Cân đối đủ nguồn vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh cho các công trình/dự án đảm bảo đúng thời gian bố trí vốn và tiến độ thi công; Điều hành linh hoạt kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công năm 2024 một cách đồng bộ, thống nhất, đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công.
Giải pháp tiếp theo là tập trung hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch đề ra, nhất là đối với các dự án lớn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngay từ đầu năm để hoàn ứng và giải ngân vốn được giao.
Đại biểu Nguyễn Thị Huấn (huyện Yên Lạc) trình bày tại phiên họp. (Ảnh: Lương Giang)
Cũng tại kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Thị Huấn (huyện Yên Lạc) đề nghị: “Để tạo điều kiện cho tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Yên Lạc nói riêng sớm hoàn thành huyện xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia đạt mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đã đề ra, đề nghị tỉnh sớm xem xét bổ sung bố trí nguồn vốn vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, để hỗ trợ các huyện nói chung và huyện Yên Lạc nói riêng nguồn vốn triển khai các dự án đầu tư và hoàn thành xây dựng trường chuẩn đã đề ra” .
Về xây dựng nông thôn mới và đô thị thông minh trên địa bàn huyện Yên Lạc, đại biểu cho biết, đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Quyết định số 1074/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 (đợt 5) thì huyện Yên Lạc được cấp tỉnh hỗ trợ cho 9 xã thực hiện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025.
Trên cơ sở kết quả đạt được, điều kiện và nguyện vọng của người dân, đại biểu đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc sớm xem xét bổ sung bố trí nguồn vốn vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ thêm 3 xã còn lại của huyện Yên Lạc (Đồng Cương, Đồng Văn, Tề Lỗ) thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Qua cơ sở thực tiễn trong việc thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôi nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Yên Lạc của 3 xã Liên Châu, Nguyệt Đức, Yên Đồng cho thấy các địa phương này được cấp tỉnh phê duyệt danh mục và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư năm 2021, 2022.
Nhưng do các Sở, ngành phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, phải rà soát, kiểm tra, báo cáo các cấp có thẩm quyền, nên mất rất nhiều thời gian, đồng thời phải phụ thuộc vào thời điểm họp HĐND tỉnh, gây ảnh hướng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án.
Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Huấn cho rằng việc phân cấp thẩm quyền quyết định, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công trung hạn và hàng năm thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng giúp các địa phương chủ động, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân nguồn vốn được hỗ trợ là phù hợp. Tạo điều kiện để địa phương kịp thời hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả đầu tư của nguồn vốn.