Bệnh nhân người Trung Quốc 52 tuổi được chuyển từ Trung tâm y tế TP Móng Cái đến Bệnh viện Bãi Cháy (TP Hạ Long) trong tình trạng tỉnh táo, sốt trên 38 độ C, rét run, đau lưng thượng vị và hạ sườn phải lan ra sau lưng.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do tắc sỏi ống mật chủ, dương tính với liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học là Streptococcus suis). Các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa Ngoại - Truyền nhiễm - Quốc tế và điều trị theo yêu cầu kết luận tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn/nhiễm trùng đường mật.
Người đàn ông nhiễm liên cầu lợn ở Quảng Ninh.
Sau 12 ngày điều trị kháng sinh tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định trở lại, xét nghiệm chỉ số nhiễm trùng cải thiện, không để lại di chứng của viêm màng não. Đây là một trong những trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn điển hình - loại vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn; có thể thông qua đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể người bệnh (do ăn tiết canh, thịt sống hoặc qua đường tiếp xúc với máu, dịch tiết, thịt lợn sống).
Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vi liên cầu khuẩn lợn... Nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong nhanh chóng. Di chứng viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn để lại khiến người bệnh có thể bị điếc hoặc đau đầu thường xuyên.