Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cụ bà 81 tuổi và hành trình 25 năm chống chọi bệnh ung thư

(VTC News) -

Được xác định mắc ung thư năm 1998, bà Nguyệt phải cắt bỏ đại trực tràng, trải qua nhiều lần hoá, xạ trị.

Sáng thứ 7, tranh thủ cuối tuần ông Phan Sĩ Liên (85 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) đưa vợ là bà Đặng Thị Minh Nguyệt, đến bệnh viện Medlatec thăm khám lại sau nhiều năm cắt bỏ đại trực tràng do ung thư. Dìu vợ vào phòng khám ông Liên vui mừng khi bác sĩ báo kết quả của vợ vẫn tốt, bệnh tình không tái phát.

Ngồi trước cửa phòng khám chờ chồng đi lấy thuốc, bà Nguyệt nói bà phát hiện bị ung thư đại trực tràng 25 năm trước. Đó là thời điểm bà vừa về nghỉ hưu. Những tưởng thời gian sau này sẽ được vui vẻ, thảnh thơi bên con cháu nhưng liên tục mấy tháng bà Nguyệt bị đầy hơi, khó tiêu, đi ngoài ra máu. Nghĩ bị rồi loạn tiêu hoá, vợ chồng bà tìm đến viện Y học Nguyễn Bỉnh Khiêm thăm khám cắt thuốc.

Bà Nguyệt đi thăm khám sau 25 năm cắt bỏ đại trực tràng vì ung thư.

“Bác sĩ sờ thấy khối u, khuyên tôi đi viện K chụp chiếu", bà Nguyệt nói.

Tại Bệnh viện K1 ở Hai Bà Trưng, lần đầu đi khám ung thư, hai vợ chồng bà lo lắng, chân tay luống cuống đi đi lại lại khi không thấy bác sĩ gọi tên. Sau khi nội soi, vợ chồng bà như chết lặng khi biết tin bà bị ung thư đại trực tràng. "Thời ấy ung thư là một căn bệnh rất đáng sợ. Với nhiều người, ung thư như án tử, chẳng cách nào cứu được", bà nói.

Lúc ấy bà không giấu được cảm xúc, nước mắt cứ chực trào ra. Bà thương con gái đang học đại học, thương chồng sẽ chẳng ai chăm lo. Được bác sĩ tư vấn, bà quyết định lên bàn mổ với hy vọng 'bên chồng con năm nào tốt năm đó'.

Bà Nguyệt vào phòng mổ vào từ sáng, nhưng 13 tiếng đồng hồ trôi qua vẫn chưa thấy bà ra khỏi phòng. Cả gia đình đứng ngồi không yên. Ông Liên - chồng bà - nghĩ đến điều chẳng lành, nhưng vẫn cố động viên các con. 14 tiếng phẫu thuật, bà Nguyệt ra khỏi phòng. “Bác sĩ thông báo ca mổ thành công, tế bào ung thư được loại bỏ hết”, ông Liên chia sẻ thời điểm ấy ông như trút bỏ được gánh nặng mấy tháng qua.

Ông Liên luôn là nguồn động viên to lớn của bà Nguyệt.

Để phòng bệnh tái phát, bà Nguyệt tiếp tục thực hiện hoá, xạ trị tại viện. “Tuần đầu mổ xong ra viện tôi thấy khoẻ, thoải mái, nhưng khi truyền hoá chất thì mệt vô cùng”, cụ bà 81 tuổi nói. Có lúc truyền thuốc đau đớn, không ăn, không ngủ được, bà từng nghĩ đến cảnh từ bỏ, chấm dứt cuộc sống. Nhờ chồng con động viện, bà tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. “Tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ bác sĩ, nhờ chồng tôi luôn chăm sóc, động viên”.

Năm bà bị bệnh, ông Liên dù được nhiều nơi mời làm tư vấn nhưng đều từ chối để ở nhà chăm sóc vợ. Ông Liên luôn túc trực bên bà, chăm sóc vợ từ vấn đề vệ sinh cá nhân, ăn ngủ. Những hôm bà đau quá không ăn được, ông làm đủ món, hầm, xay, ép nước mong vợ có thể ăn được chút.

“Ông ấy nói tôi phải cố gắng chạy chữa, để ở cùng anh và các con. Câu nói giúp tôi vượt qua mọi đau đớn của bệnh tật”, bà nói. 

Trải qua cuộc đại phẫu, cùng nhiều lần truyền hoá chất, bệnh tình của bà Nguyệt dần ổn định. Bà kết hợp ăn kiêng, tập thể dục, 25 năm bệnh tình không tái phát lại. Ban đầu là 3 tháng, 6 tháng đi khám định kỳ một lần, sau đó 1 năm, rồi 2 năm, may mắn là vết mổ không gặp vấn đề nghiêm trọng.

Bà Nguyệt là bệnh nhân lâu năm nhất của bác sĩ Nghị.

PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - nguyên Phó giám đốc bệnh viện K - người trực tiếp chữa trị cho bà Nguyệt cho biết, ca bệnh của bà Nguyệt là ca mổ khó. Bà được xác định ung thư đại trực tràng và phải cắt bỏ toàn bộ để tránh di căn. Ca mổ diễn ra nhiều giờ và may mắn nối thành công phần cắt với hậu mô, qua xét nghiệm phần nối không còn tồn tại tế bào ung thư.

Tuấn Kiệt

Tin mới