Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Covid-19 tấn công châu Phi: Nam Phi phong tỏa toàn quốc, nhiều nước giới nghiêm

(VTC News) -

Nam Phi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong khi Senegal, Bờ Biển Ngà áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 tấn công châu Phi muộn so với các châu lục khác, tuy nhiên, dịch bệnh này đang lây lan nhanh chóng ở châu lục này. Đến nay, đã ghi nhận hơn 1.700 người nhiễm bệnh trên 45 quốc gia, đặt ra thách thức đối với hệ thống y tế vốn nghèo nàn và lạc hậu ở các nước này.

Nam Phi phong tỏa toàn quốc

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 23/3 tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong thời gian 3 tuần để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Quân đội Nam Phi được điều động để thực hiện lệnh phong tỏa.

Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết chính phủ nước này "đã quyết định thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 26/3" để "tránh thảm họa đối với con người".

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. (Ảnh: Biznews)

Số lượng xác nhận trong các trường hợp ở Nam Phi đã tăng gấp 6 lần chỉ trong 8 ngày từ 61 đến 402. "Con số này sẽ tiếp tục tăng", ôngRamaphosa cảnh báo và cho biết thêm "những ngày tới là rất quan trọng".

Nam Phi có các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới được xác nhận nhiều nhất ở châu Phi. Các chuyên gia y tế công cộng lo ngại rằng nếu tỉ lệ nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng sẽ tạo ra áp lực, gây quá tải cho hệ thống y tế ở nước này.

Senegal, Bờ Biển Ngà ban bố tình trạng khẩn cấp

Senegal và Bờ Biển Ngà hôm 23/3 ban bố tình trạng khẩn cấp khi đối mặt với đại dịch Covid-19.

Senegal áp đặt lệnh giới nghiêm từ sáng đến tối, trong khi Bờ Biển Ngà cho biết nước này sẽ đưa ra các biện pháp thắt chặt từng bước. "Tốc độ lây lan của dịch bệnh đòi hỏi chúng ta phải tăng mức độ phản ứng", Tổng thống Senegal Macky Sall cho hay.

Hôm 23/3, Senegal ghi nhận thêm 12 trường hợp nhiễm mới vào, nâng tổng số ca nhiễm lên 79, trong khi Bờ Biển Ngà đã ghi nhận 25 trường hợp nhiễm bệnh.

Tuần trước, Senegal đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế và Bờ Biển Ngà đóng cửa các hộp đêm và rạp chiếu phim. Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống của cả hai nước cho biết những biện pháp đó là chưa đủ.

Senegal ghi nhận 79 ca nhiễm virus corona chủng mới. (Ảnh: Reuters)

Zimbabwe, Nigeria và Ethiopia đóng cửa biên giới

Zimbabwe đóng cửa tất cả các biên giới sau khi báo cáo trường hợp đầu tiên thiệt mạng virus corona chủng mới. Chính phủ Zimbabwe cũng cấm các cuộc tụ họp công cộng vô thời hạn.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã đóng cửa biên giới đất liền sau khi xác nhận người đầu tiên thiệt mạng do nCoV. Ethiopia cũng đóng cửa biên giới đất liền.

Các ca nhiễm nCoV được xác nhận ở Kenya đã tăng từ 1 lên 16, trong khi tổng số ca nhiễm ở Senegal tăng từ 12 lên 79.

Hôm 23/3, Ethiopia đã đóng cửa biên giới đất liền trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Video: Nhịp sống dần Trung Quốc trở lại bình thường sau dịch Covid-19

Ethiopia - quốc gia đông dân thứ hai châu Phi, cho đến nay chỉ ghi nhận 11 trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp thiệt mạng. Tuy nhiên, giới chức nước này phải vật lộn trong những ngày gần đây để thực thi các biện pháp phòng ngừa, trong đó cấm các cuộc tụ họp đông người.

Thành phố lớn thứ hai tại Cộng hòa Dân chủ Congo - Lubumbashi bắt đầu phong tỏa trong 48 giờ. Lực lượng an ninh đã được triển khai để thực hiện lệnh phong tỏa. Congo ghi nhận 30 trường hợp nhiễm nCoV kể từ ngày 10/3, trong đó có 2 người thiệt mạng.

Các quốc gia khác ở Tây Phi như Mauritania và Burkina Faso - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong khu vực với 99 trường hợp và 4 người chết, cũng đã tuyên bố giới nghiêm trong những ngày gần đây.

Bộ trưởng Tài chính các nước châu Phi cũng kêu gọi gói kích thích 100 tỷ USD để hỗ trợ chống dịch.

Kông Anh

Tin mới