Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COVID-19 hoành hành, môi giới bất động sản năm 2021 ồ ạt chuyển nghề?

(VTC News) -

Do ảnh hưởng của COVID-19, thị trường bất động sản năm 2020 khá ảm đạm, nhiều môi giới không trụ nổi nên dự định chuyển nghề trong năm 2021.

Môi giới bất động sản từng được cho là nghề “hái ra tiền”. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, nghề này thu hút một lượng lớn lao động với con số lên đến hàng trăm nghìn người. Trong những năm bùng nổ về nguồn cung bất động sản từ 2015-2018, hàng trăm nghìn công ty môi giới lớn nhỏ mọc lên như nấm sau mưa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Theo thống kê từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong năm 2019 có khoảng 300.000 môi giới trên cả nước nhưng chỉ có khoảng 80.000 môi giới là đủ điều kiện hành nghề.

Tuy nhiên, sang năm 2020, con số này đã giảm đi nhiều bởi những khó khăn về chính sách, khan hiếm nguồn cung dẫn đến "đất sống" cho nghề này cũng không còn nhiều như trước.

 Nhiều môi giới bất động sản dự định chuyển nghề. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh thị trường đóng băng, hàng trăm doanh nghiệp phá sản, nhiều chuyên gia nhận định môi giới sẽ là một nghề khó khăn trong năm 2021.

Anh Hoàng Văn Minh, nhân viên của một công ty môi giới sản phẩm căn hộ, bất động sản nghỉ dưỡng uy tín ở Nha Trang cho biết, anh vừa quyết định bỏ nghề và chuyển sang làm quản lý cho một công ty chuyên về nội thất, vật liệu trang trí với mức lương 12-13 triệu đồng/tháng.

Theo anh Minh, thu nhập của môi giới ngày càng giảm, trong khi lương cứng chỉ 3,5 triệu đồng/tháng.

"Cả chục người môi giới mà chỉ chăm chăm vào một khách, tốn thời gian công sức. Vậy mà khi bán được được sản phẩm, phí hoa hồng chẳng còn bao nhiêu”, anh Minh bộc bạch.

Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Tân, nhân viên một công ty môi giới bất động sản lớn ở Hà Nội cho biết, phải bán thêm ngũ cốc dinh dưỡng online bởi hơn 1 năm rồi thu nhập giảm sút 60-70%, không đủ tiền trang trải gia đình cho 4 người. "Lúc trước tôi làm môi giới giỏi, vào tốp đầu của công ty, thu nhập cũng khá và có nhiều khách quen, tin tưởng nên ráng cầm cự chứ đồng nghiệp hầu hết đã đi làm việc khác hết rồi”, chị Tân kể.

Chị Tân cũng tiết lộ, nửa năm 2020, chị chỉ bán được đúng 1 căn hộ chung cư, tiền hoa hồng tầm hơn 20 triệu. Nửa cuối năm 2020, lượng giao dịch khá hơn nhưng thu nhập cũng không đủ sống. Vì thế, chị quyết định nghỉ việc từ cuối năm 2020.

Từ tháng 1/2021, chị Tân quyết định thuê địa điểm, mở 1 cửa hàng tạp hóa kết hợp nhận ký gửi nhà đất để mưu sinh.

Theo ghi nhận, tình hình chung là khá nhiều môi giới đã không trụ nổi trên thị trường bất động sản từ thời điểm trước Tết Nguyên đán do không có nguồn cung bán ra. Khá nhiều môi giới đã “nghỉ Tết dài hạn” do doanh nghiệp gặp khó khăn. Khó khăn nguồn cung sản phẩm chưa qua thì dịch COVID-19 xuất hiện lại giáng thêm đòn đau vào nghề môi giới bất động sản.

Những môi giới còn trụ lại trên thị trường thì đang “gồng mình” để bán hàng trong mùa dịch. Dù đã dùng đến các hình thức như sử dụng công nghệ để bán hàng online, hỗ trợ khách khách hàng xem sản phẩm trực tuyến, chiết khấu “mạnh tay” hơn…nhưng có lẽ chưa khả quan là mấy khi mà cả khách mua ở thực lẫn nhà đầu tư đang trong tâm lý lo ngại về dịch bệnh.

Theo ghi nhận, từ giữa năm 2020, đã có khá nhiều môi giới thất nghiệp, xin việc khác để đối phó với những khó khăn trước mắt. Trước đó, đã có dấu hiệu một số sàn môi giới bất động sản nhỏ, thường là các sàn F2, số nhân viên sale từ sau Tết tới nay cũng rơi rụng dần vì số dự án mở bán thì ít, sức mua lại thấp khiến giao dịch giảm, thu nhập không ổn định…

Trong đó, nhiều công ty môi giới bất động sản vì khó khăn mà không trả lương cho nhân viên, mối quan hệ công việc giữa công ty và nhân viên sale không bền chặt, không làm ăn được khiến môi giới rời đi.

Còn hiện tại, do dịch bệnh nên các sàn đều gặp khó khăn, nên 1 phần môi giới nghỉ, phần còn lại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp tiếp tục công việc. Với những môi giới phải nghỉ do khó khăn, theo các sàn vẫn giữ mối quan hệ với họ để làm ăn khi có cơ hội.

Theo ghi nhận từ các khu vực, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.

Bên cạnh phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề thì đất nền và chung cư cũng "án binh bất động" trong mùa dịch, vừa không đủ nguồn cung, vừa không nhận được sự quan tâm nhiều từ khách hàng do dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam thừa nhận, thị trường bất động sản gặp khó khăn từ khoảng giữa năm 2018 do chính sách kiểm soát chặt dòng tiền.

Đến cuối năm 2019, thị trường biểu hiện khó khăn rõ rệt hơn vì dòng vốn vào ít, không có nhiều dự án mới, các chủ đầu tư gặp khó khăn nhiều, nên ngành môi giới bất động sản cũng lao đao.

Sang đầu năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến thị trường bất động sản hầu như “đóng băng”, số nhân sự môi giới bất động sản phải bỏ nghề không hề ít.

Trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư. Năm 2020 là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây", ông Đính từng chia sẻ.

Ngọc Vy

Tin mới