Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

COVID-19 ập đến, tiểu thương bán đào Tết 'khóc ròng' lo mất Tết

(VTC News) -

Dịch COVID-19 bùng phát trong thời điểm Tết Tân Sửu đang đến rất gần khiến nhiều tiểu thương bán đào khóc ròng lo không bán được, cây cảnh tiền triệu sẽ hóa củi khô.

Video: Thị trường cây cảnh Tết Nguyên đán Hà Nội: Chỗ đông đúc, chỗ vắng tanh

Những ngày này, thị trường đào Tết ở Hà Nội đang đúng vụ, tiểu thương mong chờ một cái Tết ấm no sau khi bán được hàng. Thế nhưng, một, hai ngày nay, người bán đào như "ngồi trên lửa", lo bao công sức đổ sông đổ bể khi dịch COVID-19 ập đến giữa những ngày cận kề Tết Nguyên đán.

Anh Hoàng Văn Lê (quê Sơn La), tiểu thương bán đào Vân Hồ, Sơn La trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) buồn bã nói: "Để có được những cây đào thế dáng độc và lạ, kịp khoe sắc trong ngày Tết, người trồng đào phải bỏ rất nhiều công chăm sóc. Đấy là chưa kể cả năm phải trông chờ vào thời tiết, thấp thỏm lo âu, cầu mong mưa thuận gió hòa. Thế mà bây giờ, khi trồng cây sắp đến ngày hái quả thì chúng tôi lại phải đối diện với nguy cơ ế ẩm, thua lỗ. Thời điểm này, COVID-19 đáng sợ hơn thời tiết rất nhiều".

Những gốc đào Vân Hồ, Sơn La nằm chỏng chơ trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) chờ khách.

Anh Lê cho biết thêm: "Mới chỉ 2 hôm xuất hiện COVID-19, tôi đã mất ăn mất ngủ. Mới hôm kia, khách còn đến mua khá đông, nhưng từ hôm qua đến nay chưa thấy khách vào hỏi, số lượng người mua cũng giảm đi. Khách bây giờ sợ đông người sẽ nguy cơ lây lan COVID-19".

Trước thời điểm dịch bùng phát, trung bình mỗi ngày anh Lê bán 20 cành đào mỗi ngày. Do là đào thế nên giá khá đắt, cành to nhất 30 triệu đồng, cành bé cũng phải vài triệu đồng. Anh Lê lo lắng COVID-19 ập đến bất ngờ có thể khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm cho một năm khó khăn sắp tới. Chính vì thế, đào "khủng" giá đắt dễ bị "thất sủng". 

Chính vì COVID-19 bùng phát nên dù đã gần Tết nhưng 4 ha đào trên nương của gia đình anh Lê ở Sơn La vẫn chưa thể xuất ra thị trường. "Bây giờ nếu chuyển xuống Hà Nội thì không biết có tiêu thụ hết không. Tiền vận chuyển xuống Hà Nội đã tốn kém, giờ lại mất chi phí để chở về lại nhà thì tôi lỗ to", anh Lê nói.

Anh Lê cẩn thận sắp xếp các gốc đào, mong khách đến mua.

"Tình hình dịch bệnh chưa biết bao giờ kiểm soát được, tôi chắc chắn số đào ở nhà không thể tiêu thụ. Còn chỗ đào đã vận chuyển xuống đây, tôi chỉ mong bán được để thu hồi vốn. Tuy nhiên, nếu ế ẩm quá, tôi chấp nhận bán rẻ hoặc bỏ lại chứ không mang về nữa", anh Lê tiết lộ.

Không chỉ riêng anh Lê mà hàng loạt hộ dân khác trồng đào Nhật Tân, Phú Thượng đang bán tại đường Võ Chí Công (Tây Hồ) cũng lo "méo mặt". Tại điểm bán của gia đình chị Hồng Anh hiện đang còn khoảng 20% số lượng đào "giá khủng" chưa được các đại gia thuê và mua.

Hiện tại, vườn đào nhà chị Hồng Anh đang còn khoảng 20% đào chưa bán được.

Chị Hồng Anh cho biết: "Những cây đào của gia đình tôi có gốc gần tới 120 triệu đồng, hiện đã tiêu thụ được 80%, còn 20% đào nữa đang nằm "chỏng chơ" chưa có khách đến hỏi. Hiện tại tôi đang lo nhất ở khâu vận chuyển đào đi các tỉnh cho những khách đã đặt cọc trước. Vì COVID-19, rất có thể những địa phương đó bị giãn cách lâu ngày".

Cũng theo chị Hồng Anh, nhiều khách hàng trước đó có để lại số điện thoại, ngỏ ý sẽ sớm quay lại mua. Nhưng giờ khi chị liên lạc lại thì họ đều từ chối với lý do đổi sang loại cây cảnh khác để tiết kiệm hơn, vì COVID-19 khó khăn. Chị Hồng Anh chia sẻ, nếu vào những năm trước, 20% số hàng chưa bán được không đáng để lo thì bây giờ lại là điều rất đáng lo. Vì COVID-19 có thể làm thay đổi thói quen, tâm lý mua sắm của người tiêu dùng.

Những người bán nơi đây cho biết, mọi năm vào thời gian này, những thương vụ mua bán đào "giá khủng" diễn ra rất sôi động, nhưng năm nay tình hình trái ngược hoàn toàn.

Cách vườn đào nhà chị Hồng Anh không xa là 300 gốc đào của gia đình anh Thắng cũng đìu hiu, vắng khách. 

300 gốc đào nhà anh Thắng đang chờ khách đến mua.

Anh Thắng cho hay: "Năm nay, do ảnh hưởng dịch nên ảm đạm hẳn. Thời tiết ủng hộ những người trồng đào chúng tôi nhưng dịch bùng phát trước thời điểm cận Tết lại hại chúng tôi. Một năm vất vả, chăm sóc từng cành đào bây giờ nguy cơ vẫn phải ngậm trái đắng".

Hoàng Thọ

Tin mới