Trên màn ảnh, hiện trường vụ án thường là nơi có nhiều cảnh sát và nhân viên pháp y đang đi lại để khám xét tử thi, thu thập chứng cứ, chụp ảnh bố cục... Sau khi cảnh sát đã thu thập đủ chứng cứ và trao trả hiện trường cho chủ nhà, đây chính là thời điểm công việc của người chuyên lau dọn hiện trường bắt đầu.
Thoạt nhìn, người ta sẽ cho rằng công việc chỉ đơn giản là dọn dẹp tử thi hay lau sạch những nơi có vết máu… Thế nhưng, công việc này lại phức tạp hơn những gì chúng ta biết rất nhiều.
Theo đó, nhân viên lau dọn hiện trường thường được gọi tới để làm vệ sinh nơi xảy ra các vụ tai nạn, giết người, tự tử hoặc nơi phát hiện thi thể đã chết từ lâu, các cơ sở sản xuất chất cấm... và khôi phục như tình trạng ban đầu. Trong quá trình làm việc, nhiều khi những người này còn có thể tìm thấy nhiều vật chứng bị giấu kín mà cảnh sát không tìm thấy.
Để hoàn thành việc dọn dẹp hiện trường, người trong nghề phải trải qua một khóa huấn luyện. Họ được cung cấp những kiến thức về cách xử lý hiện trường khi xảy ra các vụ giết người, tự tử hay tai nạn… Thậm chí, trước khi bước ra ngoài thực tế, họ sẽ phải thực hành dọn dẹp những hiện trường án mạng giả.
Điều khó nhất với các nhân viên dọn dẹp không phải là hiện trường đầy máu, đống rác bừa bộn hay đối phó với đám ruồi nhặng, giòi bọ, mà là mùi tử khí nơi xảy ra vụ án. Bên cạnh đó, vì sau khi chết, dịch cơ thể và máu có khả năng chứa vi khuẩn gây bệnh như HIV, các thể viêm gan, vi khuẩn bệnh than, thậm chí là virus Ebola. Tất cả những thứ này đều là tác nhân gây hại tới sức khỏe con người trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó.
Bởi vì nguy hiểm chông gai là vậy nên mức thù lao của nhân viên dọn dẹp hiện trường không hề bèo bọt. Tuỳ thuộc vào mức độ nguy hiểm, diện tích dọn dẹp và tính chất vụ án mà mỗi ca dọn dẹp có giá từ 1.000 USD đến 10.000 USD. Trung bình mỗi nhân viên sẽ nhận được khoảng 100 USD (2,3 triệu đồng) cho mỗi giờ làm việc. Theo thống kê của Cục lao động Hoa Kỳ, một nhân viên dọn dẹp hiện trường mỗi năm có thể thu về 75.000 USD (1,7 tỷ đồng).
Cô Leslie hiện là Phó chủ tịch của Tổ chức dọn dẹp và cải tạo Paul Davis Restoration ở Mỹ. Kể từ khi bắt đầu công việc này hơn 13 năm trước, cô đã dọn dẹp nhiều hiện trường vụ tự tử và giết người man rợ nhất nhì lịch sử.
Leslie cho biết, mọi hiện trường cô từng đến đều rất ghê rợn “không thể tưởng tượng được” mặc dù cô đã mặc trang phục bảo hộ. Mùi của cái chết thậm chí còn bám vào tóc và da của cô sau khi tắm. “Hãy tưởng tượng mùi rác hôi thối thế nào và những nơi này có mùi gấp hàng triệu lần như vậy”, Leslie nói, “Đó là sự mô tả sát nhất tôi có thể nghĩ đến về mùi của cái chết”.
Nhìn chung, việc dọn dẹp hiện trường án mạng không thật sự mới mẻ nhưng cũng có thể nói đây là một công việc liều lĩnh, thậm chí là "điên rồ". Liệu bạn có dám thử?