Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công ty Nga gửi thư nói thẳng lý do cắt giảm khí đốt sang châu Âu

(VTC News) -

Trong bức thư gửi các khách hàng mới đây, tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã tuyên bố việc cắt giảm khí đốt sang châu Âu hiện tại là tình trạng bất khả kháng.

Tờ Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết, tập đoàn năng lượng Gazprom đã gửi thư thông báo đến ít nhất ba khách hàng của họ ở châu Âu về tình trạng bất khả kháng đối với việc tạm dừng hoặc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ ngày 14/6.

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, bức thư được Gazprom gửi cho các khách hàng của họ nêu ra việc công ty này không thể thực hiện các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn do những trường hợp bất khả kháng. Việc cắt giảm hoặc tạm dừng có thể sẽ bắt đầu trong tháng 6.

Cũng theo Bloomberg, bức thư của Gazprom không nêu rõ việc liệu sản lượng khí đốt sang châu Âu trong tháng 7 hoặc những tháng tiếp theo bị cắt giảm hay không.

Kể cả khi tuabin khí được chuyển về Nga đúng hẹn thì không gì có thể đảm bảo Moskva sẽ cho đường ống Phương Bắc 1 hoạt động trở lại bình thường. (Ảnh: EURACTIV) 

Hãng tin Reuters dẫn lại một phần bức thư của Gazprom cho biết việc không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt cho châu Âu là "tình huống bất khả kháng", song tập đoàn này sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu không đáp ứng các điều khoản trong hợp đồng.

Bất khả kháng là điều khoản được bao gồm trong các hợp đồng để loại bỏ trách nhiệm đối với các tình huống không thể tránh khỏi, gây ra gián đoạn với tiến trình dự kiến và ngăn các bên tham gia thực hiện nghĩa vụ.

Nguồn tin của Reuters cho biết, một trong những khách hàng nhận được thư của Gazprom là Tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper của Đức.

Theo báo cáo tờ dpa-AFX, Gazprom đã gửi một lá thư cho Uniper, trong đó họ biện minh rằng việc cắt giảm nguồn nguồn cung khí đốt qua đường ống Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào tháng 6 và tháng 7 là trường hợp bất khả kháng. Dĩ nhiên đại diện của Uniper đã không đồng ý với cách diễn đạt này.

Gazprom chưa bình luận về thông tin trên.

Trước đó, ngày 16/7, Gazprom cho biết đã yêu cầu tập đoàn Siemens (Đức) hoàn trả tua-bin khí mà họ đã gửi đi bảo dưỡng ở Canada nhằm đảm bảo hoạt động cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc từ Nga đến châu Âu.

Vào ngày 9/7, sau nhiều lần yêu cầu từ Berlin, Canada đã quyết định trả lại tua-bin Siemens đã sửa chữa. Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng việc Canada trả lại tua-bin để vận hành đường ống Phương Bắc 1 không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga.

Nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Phương Bắc 1 đã bị phía Nga tạm dừng để thực hiện bảo dưỡng hệ thống từ ngày 11/7, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 21/7.

Bức thư của Gazprom làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng Moskva có thể không khởi động lại đường ống Phương Bắc 1 theo thời gian dự kiến để trả đũa các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, làm gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái.

Nhận định về bức thư của Gazprom, Hans van Cleef, chuyên gia kinh tế năng lượng của ABN Amro nói đó "dường như là gợi ý rằng nguồn cung khí đốt qua Nord Stream 1 có thể không tiếp tục sau khi kết thúc 10 ngày bảo dưỡng".

"Tùy vào những tình huống bất thường để tuyên bố điều kiện bất khả kháng, cũng như các vấn đề mang tính kỹ thuật hay chính trị, điều này có thể là bước leo thang tiếp theo giữa Nga với châu Âu và Đức", ông van Cleef nhận định.

Gazprom ngày 14/6 cắt giảm 40% lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1, thời điểm tập đoàn Nga tuyên bố là ngày bắt đầu sự kiện bất khả kháng.

Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt (24/2), nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu đã giảm thông qua các tuyến đường ống chính trong một số tháng, bao gồm cả những tuyến chạy qua Ukraine và Belarus.

Giới chuyên gia cho rằng ngừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 có thể gây khó khăn với Đức và phần còn lại của châu Âu. Khí đốt từ Nga, được chuyển tới Đức chủ yếu qua đường ống Nord Stream 1, là nguồn cung năng lượng mà Đức khó loại bỏ nhất.

Trà Khánh (Reuters, TASS)

Tin mới