(VTC News) - Công an TP Hà Nội đã vào cuộc phối hợp với Bộ Y tế làm rõ vụ việc máy xét nghiệm sinh hoá được nhập từ Đức nhưng ruột “made in China” tại một số bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội.
Trước đó, trao đổi với báo chí vào chiều 29/7, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi nhận được phản ánh và tiến hành kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín và Hoài Đức, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 đã bị hỏng bóng đèn halogen. Các máy này đã nằm đắp chiếu gần 1 năm nay vì không có thiết bị thay thế.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra của Sở Y tế cũng phát hiện tem nhãn bên ngoài các máy xét nghiệm này ghi là sản xuất tháng 5/2010 tại Đức. Tuy nhiên, khi kiểm tra bên trong, nhiều phụ kiện lại là “made in China” và “Made in Việt Nam”.
Công an TP Hà Nội đang điều tra làm rõ việc máy xét nghiệm sinh hoá được nhập từ Đức nhưng một số thiệt bị bên trong lại có mác Trung Quốc và Việt Nam. (Ảnh: GDVN) |
Sau khi vào cuộc điều tra, bước đầu Công an TP Hà Nội xác định, có dấu hiệu cho thấy có việc làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước và việc máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240 được mua bán lòng vòng qua nhiều công ty một cách bất thường.
Lô thiết bị máy xét nghiệm sinh hóa nằm trong gói thầu số 4 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho một số bệnh viện tuyến huyện, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Các bệnh viện đa khoa nằm trong dự án, gồm: Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên và Quốc Oai.
Đơn vị trúng thầu cung cấp các thiết bị này là Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu khoáng sản, với giá 26,78 tỉ đồng. Các thiết bị y tế này đã được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Tuy nhiên, đầu 2014, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra, phát hiện có nhiều bất thường ở máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240 như đã nói ở trên.
Trao đổi với báo chí vào chiều ngày 31/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tỏ ra bất ngờ với việc lô thiết bị y tế Greiner GA240 nhập vào Việt Nam có hai tờ giấy phép nhập khẩu cùng một số 5087 nhưng thời gian ký khác nhau.
Cụ thể, giấy phép nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Y tế ký lại có 2 mốc thời gian là tháng 6/2010 và tháng 8/2010. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an làm rõ việc có hay không giả mạo giấy tờ, gian lận thương mại trong nhập khẩu lô máy xét nghiệm nói trên.
Đồng thời đề nghị làm rõ việc, có hay không việc nhà nhập khẩu nhập thiết bị về trước rồi sau đó mới hợp thức hóa thủ tục.
Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Minh Quyết