"Kinh nghiệm dày dặn trong các trận đánh lớn kể cả hình sự đến ma túy cho thấy, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nếu tâm lý hoảng loạn, lo sợ, thì có thể sẽ tự sát thậm chí bắt con tin, gây án cho người thân hoặc người khác. Sử dụng các biện pháp mạnh ngay có thể sẽ không đạt được mục tiêu, hung thủ tự sát vụ án không thể làm rõ được. Vì vậy, đúng giải pháp tâm lý để khuyên nhủ người ta bình tĩnh lại là cần thiết, chứ không dùng biện pháp bắt ngay hoặc tiêu diệt", đại diện Công an tỉnh Nghệ An nói về lý do không còng tay Cao Trọng Phú (SN 1962). Phú là kẻ nổ súng bắt chết 2 người rồi cố thủ trong nhà. Sau khi lực lượng công an dùng phương án cùng người thân khuyên nhủ, bắc loa kêu gọi, nghi phạm đã biết sai, bỏ vũ khí đầu hàng và ra trình diện.
"Khi hung thủ biết sai, khóc cùng gia đình mà mình còng tay họ thì cũng không nên, bởi đã có an ninh vòng trong, vòng ngoài đảm bảo. Thực ra còng số 8 là để nghi phạm không trốn được hoặc không gây thêm tội phạm gì đó. Tuy nhiên, điều này chúng tôi đều hóa giải được rồi. Nếu đối tượng chống đối, chúng tôi chắc chắn sẽ còng tay. Bản thân hung thủ đã nhiều tuổi, trên 60 tuổi rồi chứ không phải thanh niên hay băng nhóm tội phạm hình sự cộm cán", đại diện Công an tỉnh Nghệ An nói thêm.
Cao Trọng Phú (khoanh đỏ) bị công an áp giải sau nhiều giờ cố thủ.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định 5 trường hợp được sử dụng còng tay, trong đó có quy định nhằm ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng còng tay cũng như các công cụ hỗ trợ khác như súng, lựu đạn, bình xịt hơi cay… phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng còng tay thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng.
Luật sư Diệp Năng Bình.
Đặc biệt, công an không được sử dụng còng tay với phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ khi những người này này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc của người khác. Đồng thời, công an chỉ sử dụng còng tay khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng, và sau khi đã cảnh báo bằng mệnh lệnh qua lời nói nhưng đối tượng không tuân theo.
"Như vậy, trong vụ Cao Trọng Phú nổ súng khiến 2 người chết ở Nghệ An, có thể thấy nghi phạm được vận động đầu thú (hung thủ đã quy phục), trên tay không còn hung khí, vũ khí nguy hiểm, hành vi nguy hiểm không còn... Bên cạnh đó, là sự tham gia đông đảo lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ và có thể tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Do đó, việc còng tay Cao Trọng Phú là không cần thiết", luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Khoảng 8h ngày 30/4, ba người gồm Ngô Quang Hưng (SN 1979, trú tại khối Phúc Thọ, phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), Đặng Ngọc Anh (SN 1956, quê tại phường Quang Trung, TP Vinh, hiện trú tại 32/9 đường Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng một người đàn ông khác đi xe ô tô Jeep BKS BKS 72M - 7353 tìm đến nhà của Cao Trọng Phú (SN 1962) ở xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh.
Lúc sau, người dân nghe tiếng súng nổ, chạy qua xem thì thấy hai người chết trước cổng nhà Phú, còn Phú ôm súng cố thủ trong nhà.
Đại tá Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh cùng 2 Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo.