Thái Lan mở cửa du lịch từ 1/2, nhưng lượng khách quốc tế vẫn rất thưa thớt. Một trong các nguyên nhân là do sự vắng bóng khách du lịch Trung Quốc - nhóm du khách nước ngoài lớn nhất của Thái Lan trước đại dịch.
Năm 2019, Thái Lan ghi nhận số lượt du khách nước ngoài kỷ lục - gần 40 triệu lượt khách và 25% trong số đó tới từ Trung Quốc.
Một con phố ở Patpong nhộn nhịp vào năm 2012 và vắng bóng khách du lịch vào năm 2021. (Ảnh: Alamy)
Trong kỳ nghỉ Tết Nhâm dần 2022 mới đây, gần như không có du khách Trung Quốc nào tới Thái Lan.
Nỗi niềm chung
Tại một bãi biển ở đảo Koh Larn, khu bán đồ lưu niệm cao 3 tầng từng hái bội tiền nhờ sức mua mạnh của du khách Trung Quốc giờ vắng tanh.
"Kể từ khi vắng khách Trung Quốc, chúng tôi mất đến 80% thu nhập", Sutthiea Saengsaswi - chủ một cửa hàng địa phương cho biết.
Nhà hàng của Saengsaswi mở được 6 năm, chuyên phục vụ khách Trung Quốc. Ở thời kỳ cao điểm, mỗi ngày cơ sở của Saengsaswi có tới 500-1.000 thực khách.
"Tôi không thể chờ tới khi họ quay lại. Là dân làm du lịch, giờ tôi chỉ còn bấu víu vào thị trường địa phương", bà Sutthiea cho hay.
Sutthiea gần đây xây dựng thêm một khu nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch trong nước.
Nhưng bà và nhiều người làm du lịch khác ở Thái Lan thừa nhận rằng khó có nhóm du khách nào đông đảo, sẵn sàng vung tiền, chi tiêu thoải mái như du khách tới từ nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Câu chuyện vắng khách Trung Quốc không chỉ là "nỗi niềm" của riêng Thái Lan.
Theo New York Times, không quốc gia nào đóng vai trò quan trọng với du lịch toàn cầu trong thập kỷ qua hơn Trung Quốc. Trong năm 2019, du khách Trung Quốc chi tới 260 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế. Khi đại dịch bùng phát năm 2020, con số giảm xuống còn 130,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc duy trì nghiêm ngặt chiến lược "Không COVID-19". Kể từ tháng 8/2021, nước này gần như ngừng cấp hộ chiếu mới và áp dụng cách ly với tất cả những người nhập cảnh vào Trung Quốc.
Núi thủ tục và quy trình kiểm tra phức tạp khi về nước là lý do khiến nhiều người Trung Quốc quyết định nói không với du lịch nhiều tháng qua.
Nhóm du khách Trung Quốc trước một bến du thuyền ở Thượng Hải để lên tàu tới Hàn Quốc. (Ảnh: NYT)
Tại đảo Jeju, vốn là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc vì không yêu cầu thị thực, lượng khách Trung Quốc năm 2020 giảm hơn 90% xuống 103.000 lượt. Trong 9 tháng đầu năm 2021, con số này chỉ còn 5.000.
Theo ông Hong Sukkyoun, phát ngôn viên Hiệp hội Du lịch Jeju, hơn 50% cửa hàng miễn thuế phục vụ du khách Trung Quốc trên đảo đã đóng cửa. Tại trung tâm mua sắm Big Market, nơi bán các đặc sản của Jeju như chocolate và hàng thủ công, hầu hết nhân viên phải nghỉ việc.
“Trước đại dịch, gần 70% du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc qua các chương trình tham quan theo đoàn. Giờ đây, doanh thu bằng 0”, Cho Il-sang - đại diện hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc Hana Tour Service cho biết.
Hoài niệm quá khứ
Các câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở châu Âu khi Trung Quốc nổi lên là một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng cho lục địa già những năm gần đây.
Vào thời kỳ cao điểm, Bảo tàng Sherlock Holmes tại London đón khoảng 1.000 người tham quan mỗi ngày. Một nửa trong số đó tới từ Trung Quốc. Dù mở cửa trở lại từ tháng 5/2021, số lượng du khách tới nay vẫn kém xa so với thời kỳ trước dịch. Cuối năm ngoái, bảo tàng mở một gian hàng trực tuyến để bán hàng hóa và đồ lưu niệm. Khoảng 1/3 trong số này được chuyển tới Trung Quốc.
"Chúng tôi đang cảm nhận rõ sự vắng bóng của họ", Alfonsina Russo, Giám đốc Đấu trường La Mã ở Rome (Italy) cho hay.
Theo Russo, du khách tới từ các nước châu Á, đặc biệt Trung Quốc chiếm tới 40% lượng khách quốc tế đến Đấu trường La Mã vào năm 2019. Trong năm đó, trang web chính thức của đấu trường đã thêm ngôn ngữ Trung Quốc và hướng dẫn tra cứu cùng tiếng Italy và tiếng Anh.
Các du khách Trung Quốc tới Đấu trường La Mã chiếm một phần không nhỏ trong trong tổng số 2 triệu du khách nước này tới Italia năm 2019.
Fausto Palombelli, người đứng đầu bộ phận du lịch của Unindustria, một hiệp hội kinh doanh ở vùng Lazio, bao gồm cả Rome cho biết sự thiếu vắng du khách Trung Quốc là một đòn giáng nặng nề với các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nhóm khách này.
Ở Rome, các tài xế taxi học cách nói tiếng Trung với du khách. Sân bay Fiumicino ở Rome cung cấp dịch vụ mua sắm cá nhân miễn thuế giá trị gia tăng để thu hút du khách Trung Quốc.
Tại Pháp, bất chấp dự đoán có thể mất tới vài tháng hoặc thậm chí vài năm trước khi quốc gia tỷ dân mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp địa phương vẫn giữ kết nối với nhóm khách hàng tiềm năng.
Catherine Oden, chuyên viên quảng bá du lịch của Atout France - Viện Quốc gia Pháp chia sẻ cô phải tập làm quen với các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Weibo hay Douyin để phát trực tiếp các hoạt động trực tuyến như dạy nấu ăn, tham quan kiểu Pháp.
“Chúng tôi muốn hiện diện trong tâm trí họ. Có như vậy thì khi mọi thứ trở lại bình thường, họ sẽ chọn Pháp là điểm đến đầu tiên”, Oden cho hay.
Tại Paris, hàng dài du khách dạo quanh các cửa hàng trên đại lộ Champs-Élysées giờ chỉ còn là hoài niệm trong quá khứ.
Du khách Trung Quốc mang về khoản doanh thu không nhỏ cho Đấu trường La Mã. (Ảnh: AP)
"Trước đại dịch, chúng tôi có bốn nhân viên bán hàng nói tiếng Trung Quốc. Giờ chúng tôi chỉ còn một người và cũng không có nhu cầu tuyển thêm", Khaled Yesli, giám đốc bán lẻ của một cửa hàng sang trọng trên đại lộ Champs-Élysées cho biết.
Theo Yesli, sản phẩm bán chạy nhất của cửa hàng trước đây là một hộp kim loại màu đỏ vàng đựng bánh macaron và kem dưỡng da tay được thiết kế dành riêng cho khách du lịch Trung Quốc. Nhưng với doanh số bán hàng ế ẩm trong đại dịch, những chiếc hộp đó giờ chỉ xếp xó.
Đi tìm giải pháp
Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ không mở cửa biên giới, ít nhất là cho tới cuối năm nay. Điều này buộc các nước phải có biện pháp đối phó.
Nhiều tháng qua, Thái Lan đẩy mạnh đàm phán về thỏa thuận đi lại song phương với Trung Quốc nhằm giúp ngành du lịch phục hồi. Theo đó, các du khách đi theo chương trình bong bóng du lịch giữa Thái Lan với Trung Quốc sẽ không phải thực hiện cách ly, có thể được cấp thị thực đặc biệt và địa điểm lưu trú.
Các bên cũng sẽ thảo luận cụ thể về hạn mức chi trả bảo hiểm y tế, số lượng khách được phép qua lại cũng như những khu vực du khách có thể đi lại để ngăn chặn dịch bùng phát.
Không rõ tiến trình của các cuộc đàm phán này đã đi tới đâu.
Để tránh rơi vào thế bị động và phụ thuộc vào nhóm khách không biết bao giờ mới trở lại này, xứ sở chùa vàng cũng bắt đầu tìm kiếm các nhóm khách tiềm năng để vá lấp chỗ trống.
Hồi giữa tháng 2. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của chính phủ Thái Lan (CCSA) thông qua đề xuất về “bong bóng du lịch" với Ấn Độ nhằm thu hút nhóm du khách trẻ tuổi “có giá trị cao”.
Sau khi được CCSA chấp thuận, đề xuất về bong bóng du lịch này sẽ được trình lên Nội các Thái Lan để phê duyệt. Theo người phát ngôn CCSA, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo cho các cơ quan liên quan nhanh chóng thực hiện hành lang du lịch này càng sớm càng tốt.
Theo thống kê, khoảng 1,9 triệu lượt du khách Ấn Độ tới Thái Lan trong năm 2019. Trong năm này, khách du lịch từ Ấn Độ tạo ra khoảng 2,45 tỷ USD cho thu nhập từ du lịch của Thái Lan, tăng 20% so với năm trước khi Ấn Độ trở thành thị trường du lịch lớn thứ ba của Thái Lan, với hơn 300 chuyến bay từ Ấn Độ đến Thái Lan.
Cùng với việc tìm kiếm nhóm khách mới, các nước cũng kích cầu du lịch nội địa.
Sau khi vận hành "bong bóng du lịch" dành cho du khách nội địa tới quần đảo nổi tiếng Langkawi hồi tháng 9/2021, Malaysia đang triển khai giải pháp tương tự đối với các điểm du lịch khác.
"Ngành du lịch sẽ phục hồi hiệu quả hơn nếu du khách được đến nhiều nơi, như mở cửa Penang, Terengganu, Pahang, Melaka, Sabah và Sarawak song song với Langkawi. Chúng tôi không thể chờ đợi quá lâu, có thể đến lúc đó các công ty và hạ tầng du lịch đã chết", ông Uzaidi Udanis - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Inbound Malaysia chia sẻ.