Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Con gái 2 lần hiến tạng cứu sống mẹ

Jennifer Stasieluk, y tá ở Mỹ, hiến một phần lá gan và một quả thận của mình để hai lần cứu sống mẹ.

Marzena Stasieluk được chẩn đoán suy thận vào năm 2015. Sau nhiều năm mệt mỏi với quá trình chạy thận nhân tạo, Marzena cần một quả thận mới, theo CNN.

Tuy nhiên, để ca ghép thận thành công, trước hết bà phải trải qua phẫu thuật ghép gan. Bệnh gan của Marzena được kiểm soát trong hơn 10 năm, nhưng chuyển biến xấu dần trong đại dịch COVID-19.

Cánh cửa hy vọng

Gia đình Marzena hiểu rằng bệnh gan của bà chưa tệ đến mức sẽ được ưu tiên nhận gan từ một người hiến tặng đã qua đời, nhưng đủ tệ để khiến ca phẫu thuật ghép thận thất bại.

Con gái của Marzena, Jennifer Stasieluk, là một y tá. Cô sẵn sàng hiến thận cho mẹ. Cả hai đã trải qua các đợt kiểm tra nhưng kết quả không như ý.

Họ có cùng nhóm máu, nhưng Marzena lại thuộc nhóm bệnh nhân được gọi là "rất nhạy cảm". Bà có một lượng lớn kháng thể chống lại các mô ngoại lai, một yếu tố làm tăng khả năng đào thải khi ghép tạng, khiến việc tìm kiếm người hiến tặng khó khăn hơn nhiều.

"Hơn nữa mẹ tôi cần một lá gan mới trước khi ghép thận. Tuy nhiên, tình trạng bệnh gan của bà chưa đủ nghiêm trọng để được ưu tiên. Vì vậy, bác sĩ đã từ chối phẫu thuật", Jennifer, 29 tuổi, nhớ lại.

Mẹ con Stasieluk đang sống khỏe mạnh sau hai ca phẫu thuật.

Tháng 1/2020, cuộc hẹn với Mayo Clinic ở Rochester, bang Minnesota, mở ra cánh cửa mới: Các bác sĩ đề nghị Marzena nhận một phần gan từ người hiến tặng còn sống.

Bất chấp sự phản đối của Marzena, Jennifer tiếp tục trải qua quá trình kiểm tra để hiến gan cho mẹ. Và lần này, kết quả khả quan hơn.

"Tôi mừng rỡ khi nhận được cuộc gọi của bác sĩ thông báo mình có thể hiến gan cho mẹ. Tôi nói: 'Mẹ ơi, con là người hiến tặng phù hợp. Đóng gói hành lý thôi. Cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra trong 6 tuần nữa'", Jennifer kể.

Ngày 25/6/2021, Jennifer đã hiến một phần gan của mình cho mẹ. Ca phẫu thuật diễn ra thành công. Cô ở trong bệnh viện 5 ngày để hồi phục, còn Marzena mất 11 ngày.

Điều kỳ diệu

Sau ca ghép gan, Jennifer chuẩn bị hiến thận cho một người lạ như một phần của hiến tặng theo cặp, một quy trình trong đó thận của người hiến tặng còn sống được hoán đổi để những bệnh nhân như Marzena nhận được cơ quan tương thích nhất.

Nhưng điều kỳ diệu đã đến: Do ảnh hưởng của gan nhận từ con gái đối với hệ miễn dịch của Marzena, Jennifer có thể tiếp tục hiến thận cho mẹ mình.

Ca ghép thận diễn ra đúng một năm sau phẫu thuật ghép gan.

Bác sĩ Timucin Taner, Trưởng khoa phẫu thuật cấy ghép tại Mayo Clinic, là người trực tiếp thực hiện ca ghép gan cho gia đình Stasieluk.

Ông và các đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu tác động của việc ghép gan đối với hệ thống miễn dịch, bao gồm cả nghiên cứu về cách ghép gan trước khi ghép tim có thể làm giảm sự đào thải trong ghép tạng.

Tình yêu thương của gia đình giúp bà Marzena chống chọi với bệnh tật.

Bác sĩ Taner cho biết mẹ con bà Stasieluk là trường hợp đầu tiên giúp ông biết về ảnh hưởng của gan đối với phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân, cho phép tiếp tục nhận thận từ cùng một người hiến tặng.

Ông Taner nói về Jennifer: "Cô ấy đã hiến tặng hai bộ phận trong vòng một năm và cứu sống mẹ mình hai lần".

Trên khắp nước Mỹ, gần 106.000 người đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng. "Có khoảng 25.000 người ở Mỹ chờ ghép gan nhưng chúng tôi chỉ có thể thực hiện tối đa khoảng 9.000 ca phẫu thuật mỗi năm vì thiếu người hiến tạng", bác sĩ Taner cho biết.

Với Jennifer, hai lần hiến tạng đã truyền thêm sức mạnh cho cô. "Là một y tá, tôi từng thấy bất lực trong đại dịch COVID-19. Chỉ cần biết rằng mình có thể làm một điều gì đó không phải là vô vọng, tôi sẽ làm tất cả. Cứu sống mẹ mình, điều đó thật tuyệt vời".

Marzena cho biết món quà của con gái đã thay đổi cuộc đời bà. "Tôi rất biết ơn. Tôi không nghĩ mình có thể diễn tả hết thành lời. Bạn có thể nói gì với một người đã hiến hai phần cơ thể cho mẹ mình chứ?".

Nguồn:

Tin mới