Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Cơn bão' chống tham nhũng mới càn quét ngành tài chính Trung Quốc

(VTC News) -

Mạng lưới phức tạp về lợi ích và quyền lực của ngành tài chính Trung Quốc luôn khiến đây trở thành tâm điểm của tham nhũng và trục lợi.

Hôm 25/8, Ngân hàng Trung Quốc (BOC), một trong bốn ngân hàng lớn của Trung Quốc, tuyên bố ông Lưu Kim từ chức chủ tịch ngân hàng với hiệu lực ngay lập tức, với lý do "lý do cá nhân".

Lưu Kim từ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc ngày 25/8. (Ảnh: BOC)

Lưu Kim có nhiều năm hoạt động trong ngành ngân hàng, bao gồm việc giữ nhiều vị trí tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC). Năm 2018, Lưu được thăng chức làm Ủy viên Ủy ban Đảng Cộng sản và Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, trở thành viên chức chính phủ trung ương. Cuối năm 2019, ông chuyển đến Ngân hàng Everbright và giữ chức chủ tịch. Năm 2021, Lưu Kim được bổ nhiệm làm chủ tịch BOC.

Lưu Kim là trường hợp từ chức tiếp theo tại BOC sau cựu chủ tịch Lưu Liên Khả, người từ chức vào tháng 3/2023 do "điều chỉnh công tác" và chính thức bị điều tra vào cuối tháng 3 năm nay.

Vào tháng 4, tòa án Trung Quốc xét xử vụ án của Lưu Liên Khả, cho biết ông này nhận hối lộ hơn 121 triệu nhân dân tệ (hơn 421 tỷ đồng) và cấp các khoản vay bất hợp pháp hơn 3,32 tỷ nhân dân tệ (hơn 11.500 tỷ đồng).

Có những dấu hiệu cho thấy việc từ chức của Lưu Kim cũng không bình thường. Trên các mạng xã hội Trung Quốc, người ta chú ý rằng BOC đã không đề cập đến kế hoạch tương lai của cựu chủ tịch 57 tuổi này, vẫn chưa đến tuổi về hưu, hay bày tỏ sự cảm ơn đối với đến những đóng góp của ông trong hơn ba năm phục vụ ngân hàng.

Động thái từ chức của Lưu Kim cũng trùng với giai đoạn cuối đợt thanh tra thứ ba của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20. Trong số 34 đối tượng bị thanh tra kể từ tháng 4 năm nay, khoảng một nửa hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bao gồm các cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng nhà nước lớn hay doanh nghiệp tài chính trung ương. BOC là một trong những mục tiêu của cuộc thanh tra.

Trụ sở Ngân hàng Trung Quốc ở phố Nội Phục Hưng Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Tham nhũng tràn lan

Đợt thay đổi nhân sự trong ban quản lý cấp cao của BOC diễn ra "cơn bão" chống tham nhũng đang quét qua ngành tài chính Trung Quốc.

Theo The Paper, chỉ riêng trong tháng 7, ít nhất 12 người trong ngành này bị điều tra, tất cả đều là quan chức cấp cao trong các cơ quan chính phủ trung ương, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính.

Đầu tháng 8, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải Đổng Quốc Quần và Giám đốc chi nhánh Thâm Quyến của Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc Trần Tiêu Bành chính thức bị sa thải. Cả hai đều liên quan đến các vụ án “tham nhũng giai đoạn cuối”. Đổng bị điều tra ngay trước khi nghỉ hưu, trong khi Trần đã nghỉ hưu hơn bốn năm.

Đinh Vĩ, người đã rời khỏi vị trí Phó chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc cách đây vài năm, cũng được thông báo đang bị điều tra vào tuần trước.

Làn sóng cải tổ cũng đã diễn ra trong lĩnh vực chứng khoán và vốn chủ sở hữu tư nhân. Các giám đốc điều hành cấp cao được cho là bị sa thải kể từ cuối tháng 7 bao gồm Khương Thành Quân, Phó tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Haitong; Vương Thần, trợ lý chủ tịch và trưởng phòng ngân hàng đầu tư của Công ty chứng khoán Guoyuans; và Triệu Học Quân, Giám đốc điều hành quỹ cấp cao và Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Harvest.

Trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ, một số quan chức bị mô tả là “cự tham” (tham nhũng lớn) hoặc “nốt ruồi”. Mặc dù các cuộc điều tra chính thức vẫn chưa tiết lộ các vấn đề cụ thể của từng cá nhân, nhưng giới quan sát tin rằng có liên quan đến các vấn đề chung như hối lộ và tham nhũng, chuyển nhượng lợi ích không đúng cách, vi phạm quy định và giao dịch nội gián.

Nhân viên an ninh bên ngoài tòa nhà Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ngành tài chính của Trung Quốc là ngành thâm dụng vốn, được hưởng nhiều lợi ích đáng kể nhưng cũng nhiều chiêu trò gian lận. Mạng lưới phức tạp về lợi ích và quyền lực tập trung của ngành này luôn khiến đây trở thành tâm điểm của tham nhũng và trục lợi.

Những người liên quan không chỉ là những người kiếm lợi bất hợp pháp trong ngành mà còn có cả các quan chức công quyền, những người đáng lẽ phải đóng vai trò "người gác cổng" nhưng thay vào đó lại "thông đồng" với các đối tượng mà họ phải quản lý.

Siết chặt hay nới lỏng?

Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc áp dụng biện pháp cứng rắn đối với lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, những thách thức phát triển mà nước này hiện đang đối mặt có thể buộc những người đứng đầu phải quyết liệt hơn trong việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực tài chính.

Trong nhiều năm qua, các vấn đề bắt nguồn từ việc quản lý kém hiệu quả đã làm tăng đáng kể rủi ro trong hệ thống tài chính và nhiều cuộc khủng hoảng tài chính là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội tại Trung Quốc.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng lĩnh vực tài chính cần được chỉnh đốn và quản lý, đồng thời các “hổ lớn” và “ruồi nhặng” trong ngành phải bị vạch trần. Tuy nhiên, một số người cũng lo ngại chiến dịch trấn áp quy mô lớn có thể tạm thời răn đe, nhưng cũng có thể mang lại một số tác dụng ngược.

Trong đợt trấn áp tham nhũng mạnh mẽ này, một số người hoạt động trong lĩnh vực tài chính cảm thấy vô cùng áp lực. Có người thừa nhận rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những tin tức thường xuyên về các chiến dịch chống tham nhũng khiến toàn ngành trở nên lo lắng.

Điều này phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan thường trực của chính phủ Trung Quốc: siết chặt quản lý thì ngành tài chính suy yếu; nới lỏng kiểm soát thì mọi thứ vượt khỏi tầm tay.

Theo Liên hợp Tảo báo, Trung Quốc có thể cần thực hiện các cải cách về cơ chế tài chính, mô hình kinh doanh và hệ thống quản lý để phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa quản lý quá chặt và kiểm soát lỏng lẻo.

Hoa Vũ (Nguồn: Liên hợp Tảo báo)

Tin mới