TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, bữa trưa là bữa ăn chính trong ngày, cung cấp năng lượng cho hoạt động làm việc của con người. Trước đây người lao động thường lựa chọn ăn trưa ngoài hàng quán để tiết kiệm thời gian nấu nướng. Gần đây ngày càng nhiều người tự mang cơm đi ăn trưa.
"Đây là điều đáng mừng và có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này", TS Từ Ngữ nói và cho biết mang cơm trưa đi làm vừa giảm gánh nặng kinh tế, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mang cơm đi làm giúp bạn tiết kiệm kinh tế, đảm bảo sức khoẻ, nhưng khi nấu từ sáng đến trưa mới ăn, bạn cần chú ý đến chất lượng thực phẩm, nên lựa chọn thực phẩm và ăn uống đúng cách để không bị mất chất dinh dưỡng.
Việc hâm lại thức ăn tưởng tốt song nếu không chú ý sẽ làm mất chất dinh dưỡng, ảnh hưởng chất lượng món ăn. Nguyên tắc là tránh hâm nóng, hoặc chỉ làm ấm thực phẩm.
Bạn có thể mang cơm trưa đi ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Với cơm trắng, bạn có thể hâm nóng lại để dễ ăn hơn. Tuy nhiên, với các loại rau lá, nhất là canh rau, không nên hâm nóng lại, vì quá trình thái rửa chế biến đã mất nhiều vitamin, tiếp tục hâm nóng sẽ tiêu hao thêm chất dinh dưỡng.
Các loại thực phẩm cung cấp chất béo và chất đạm như thịt, cá, trứng... cũng không nên hâm nóng, vì ngoài mất chất dinh dưỡng, thì hương vị cũng kém phần thơm ngon. Tốt nhất bạn nên ăn nguội cùng cơm nóng, vì đồ ăn được chế biến buổi sáng, bảo quản trong hộp kín thì tới trưa không thể ôi thiu được.
Riêng với các đồ kho như thịt kho, trứng kho, cá kho có thể hâm nóng lại được, bởi bản chất loại đồ ăn này nên ăn nóng và nấu nhiều lần thì sẽ nhừ, dễ ăn hơn.
TS Từ Ngữ tư vấn việc ăn uống phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề như sở thích, điều kiện kinh tế, sự hiểu biết về dinh dưỡng, do vậy mỗi người sẽ có sự lựa chọn khác nhau về thực phẩm. Tuy nhiên, ở góc độ dinh dưỡng, với bất kể loại thực phẩm nào khi chế biến cũng cần nghĩ cách để vừa có món ăn ngon, vừa có thật nhiều dinh dưỡng là tốt nhất.