Việc kiểm soát lượng muối được bổ sung vào cơ thể mỗi ngày là không hề dễ dàng. Bởi muối có trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vậy nên, theo chuyên gia dinh dưỡng, khi chế biến thức ăn chỉ nên cho lượng muối vừa phải, không nên cho quá nhiều để giúp cân bằng muối bổ sung vào cơ thể.
Nếu không kiểm soát được lượng muối trong cơ thể bạn có thể mắc một số bệnh lý sau:
Loét và ung thư dạ dày
Nitrat trong muối có thể gây ung thư dạ dày. Bên cạnh đó những thực phẩm nhiều muối có thể kích thích niêm mạc dạ dày gây viêm loét dạ dày.
Tăng huyết áp
Cơ thể cần nước để hoà tan muối. Do đó thừa muối sẽ khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn. Điều này ảnh hưởng tới thể tích máu và nếu kéo dài sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp.
Tổn thương thận
Khi muối được bổ sung quá nhiều vào cơ thể sẽ khiến thận làm việc nhiều hơn, dẫn đến gia tăng gánh nặng cho thận. Ngoài ra, giữ nước có thể làm suy yếu các mạch máu trong thận. Sử dụng muối quá nhiều trong thời gian dài có thể gây suy thận.
Làm chậm hoạt động của não
Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra: sử dụng quá nhiều muối có thể ảnh hưởng tới hoạt động não và một số khả năng nhận thức. Nó thậm chí có thể gây ra chứng mất trí.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, khi chế biến thức ăn chỉ nên cho lượng muối vừa phải, không nên cho quá nhiều để giúp cân bằng muối bổ sung vào cơ thể.
Làm ảnh hưởng đến đường huyết
Những người bị tiểu đường nếu ăn quá nhiều muối sẽ khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy nên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn thực phẩm có chứa nhiều muối hoặc ăn đồ ăn có nêm nếm quá mặn.
Béo phì
Mặc dù không có mối liên quan trực tiếp, nhưng thực phẩm nhiều muối khiến bạn uống nhiều nước hơn. Khi bạn lựa chọn những đồ uống có đường, lượng calo hấp thu sẽ tăng và bạn có nguy cơ tăng cân, béo phì. Ngoài ra, do giữ nước, cơ thể bạn bắt đầu phát phì.
Loãng xương
Thừa muối sẽ khiến cho quá trình đào thải canxi qua nước tiểu tăng, nguy cơ gây ra loãng xương. WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối/ngày (tương đương một thìa cà phê) để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh không lây nhiễm khác.
Dấu hiệu cơ thể bị thừa muối
Ngón tay đột nhiên bị sưng bất thường không rõ nguyên nhân, đây chính là triệu chứng khi cơ thể tích nước vì dư muối. Cơ thể cần cân bằng dung dịch và điện giải, ăn quá nhiều muối khiến não giải phóng hormone "báo hiệu" cho cơ thể giữ nước chống mất cân bằng.
Khô miệng
Ăn nhiều đồ mặn khiến cơ thể cảm giác được nồng độ muối và nước bắt đầu mất cân bằng và cơ thể buộc phải "bắt" bạn phải uống thêm nhiều nước.
Đau đầu
Bạn có cảm giác đầu đang co giật nhè nhẹ trong cơn đau. Nghiên cứu cho thấy người trưởng thành ăn quá 3.500 mg muối mỗi ngày tăng cơn đau đầu lên đến 1/3 so với người chỉ ăn 1.500 mg.
Cao huyết áp có thể gây đau đầu nhưng ngay cả người huyết áp bình thường ăn mặn quá mức cũng dễ bị đau đầu.
Đi vệ sinh liên tục
Ăn mặn cũng có ảnh hưởng tương tự uống quá nhiều nước. Ăn quá nhiều muối khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để thải loại muối thừa nên bạn đi vệ sinh nhiều dù không uống nước.
Tâm trí thiếu minh mẫn
Ăn mặn quá mức khiến bạn bị mất nước, do đó khả năng suy nghĩ tỉnh táo của bạn cũng "xuống dốc không phanh". Các chức năng tập trung, ghi nhớ, lý giải, phản ứng… đều bị rối loạn.
Lượng muối đủ cho cơ thể khỏe mạnh
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, mỗi ngày một người khỏe mạnh bình thường chỉ nên ăn từ 6-10g muối (khoảng dưới 2 muỗng cà phê muối một ngày).
Nhu cầu muối tối thiểu khuyến nghị theo độ tuổi (RDA) như sau: trẻ em dưới 6 tháng: 1200 mg/ ngày; trẻ 6-11 tháng: 2000 mg/ ngày; trẻ 1 tuổi: 2205 mg/ ngày; trẻ 2-5 tuổi: 3000 mg/ ngày; trẻ 6-9 tuổi: 4000 mg/ ngày; trên 10 tuổi: 5000 mg/ ngày.
Muối được bổ sung vào cơ thể qua những thực phẩm như: cá ướp muối, dưa cà muối, các loại mắm, đồ hộp, chả lụa, xúc xích, món canh, xào, kho mặn, mắm muối chấm trên bàn ăn, nước uống có muối…