Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có phụ huynh phải trả gần 3 triệu đồng/lần test PCR để con đến trường

Văn bản của UBND TP.HCM không yêu cầu, nhưng nhiều cơ sở giáo dục lại đòi phụ huynh phải có giấy chứng nhận test PCR mới cho học sinh trở lại trường.

Thực trạng trên được Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chỉ ra tại hội nghị duyệt kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ năm 2022 của Sở GD&ĐT TP.HCM, tổ chức chiều 9/3.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, hiện nay có tình trạng các quy định đã được ban hành đầy đủ, cụ thể nhưng khi triển khai thì "trăm hoa đua nở", mỗi địa phương, mỗi trường thực hiện mỗi kiểu và tùy tiện áp dụng, khác với chỉ đạo chung. "Điều này thật sự không tốt, chúng ta phải đồng bộ trong hệ thống thì mới tạo sự an tâm cho phụ huynh và dễ cho quản lý", ông Đức nhấn mạnh.

Có phụ huynh phải trả gần 3 triệu đồng/lần test PCR để con đến trường. (Ảnh minh hoạ: Zing)

Nhấn mạnh hai Sở Y tế và GD&ĐT phải chú ý đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, những nơi thực hiện chưa đúng phải rà soát và điều chỉnh ngay, rà soát quy định để mọi người cùng thực hiện đó mới là quy trình chuẩn, quy trình mà ai muốn hiểu sao cũng được thì rất ảnh hưởng.

Lấy ví dụ về trường hợp, văn bản của UBND TP không hề yêu cầu, nhưng nhiều nhà trường đòi phụ huynh phải có giấy chứng nhận test PCR sau thời gian cách ly mới cho học sinh quay trở lại trường. Nhiều gia đình đang phải cách ly, buộc phải thuê dịch vụ đến nhà để test, có bệnh viện tư nhân lấy giá gần 3 triệu đồng/lần test PCR, gây tốn kém và phiền phức cho phụ huynh.

Lắng nghe ý kiến từ các sở, ngành và đặc biệt từ Sở GD-ĐT TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT TP cần đặc biệt lưu ý các nội dung trọng tâm, đó là khẩn trương triển khai chương trình 2018. Siết chặt tiến độ, bám sát thực hiện các đề án mà ngành GD-ĐT đang được giao thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị ngành GD-ĐT TP cần quan tâm, lưu ý đến các các trường ngoài công lập, các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài, các cơ sở giáo dục đại học...có kế hoạch tăng cường quản lý cho tốt, tránh trường hợp như Trường Việt Nam-Phần Lan, đến nay vẫn chưa có pháp lý đầy đủ.

Ông Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh, hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề lơ lửng, có những chương trình giáo dục thí điểm nhưng không có thời gian kết thúc. Thí điểm phải có thời gian kết thúc để nếu tốt thì đưa vào quy định. Không lạm dụng từ thí điểm gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở GD-ĐT rà soát, phối hợp các địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân. Biện pháp thực hiện là gì? Lý thuyết là đưa ra là chỉ tiêu nhiệm kỳ nhưng nếu không nỗ lực trong khi số dân tăng, trẻ em tăng thì chỉ tiêu trên càng ngày càng xa dần. "Các sở cần phối hợp thật tốt với các quận, huyện, tìm cơ hội củng cố cơ sở vật chất cho giáo dục"- ông Đức nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành GD&ĐT TP.HCM cũng gặp rất nhiều thách thức, vì giáo dục là liên quan đến mọi nhà, mọi người... nhiều quyết định khó khăn phải đưa ra như kỳ tuyển sinh đầu cấp, nhưng may mắn vì toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đến nay tuyển sinh đầu cấp vẫn còn đọng lại những vấn đề nhất định, nhưng thực tế không thể hài lòng tất cả người nhưng vì có sự chuẩn bị chu đáo nên đó vẫn là phương án tốt nhất trong thời điểm trên. Cuối năm 2021, chúng ta tiếp tục gặp những thách thức mới, khi quyết định mở dần dạy học trực tiếp.

Tuy gánh nặng để lên thầy cô không nhỏ, nhất là 3 tuần gần đây số thầy cô, học sinh là F0 tăng dần và tăng nhanh nhưng may mắn là đối với học sinh trong lứa tuổi đi học rất hiếm trường hợp trở nặng và TP.HCM vẫn hoàn thành được các mục tiêu. Sắp tới theo lộ trình của Bộ Y tế sẽ tiêm cho đối tượng từ 5-11 tuổi. Một lần nữa cần sự phối hợp để tổ chức thật tốt, chuyên nghiệp của hai sở GD&ĐT và Y tế để việc tiêm chủng được an toàn, đạt hiệu quả.

Nguồn: Báo Người Lao Động

Tin mới