Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cổ phiếu ngành thép bị bán tháo

Với việc bị bán mạnh, thanh khoản HPG vọt lên hơn 1.000 tỷ đồng, là mã giao dịch sôi động nhất, giá trị này gấp 3 lần mã đứng sau là DIG.

Phiên chiều 31/10, VN-Index lấy lại sắc xanh về cuối phiên, đóng góp chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn. Cổ phiếu ngành thép giao dịch rất tiêu cực, đồng loạt giảm sàn sau khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III được công bố.

Phần lớn thời gian của phiên giao dịch hôm nay, VN-Index ngụp lặn trong sắc đỏ. Mốc 1.000 điểm được giữ vững và VN-Index hồi phục tốt trong phiên chiều. Đóng cửa, VN-Index về lại sắc xanh. VN30-Index thu hẹp đáng kể đà giảm, chỉ còn giảm 2,6 điểm. Ở nhóm VN30, số mã tăng, giảm cân bằng; trong khi đó, trên HoSE, số mã giảm lấn át hoàn toàn ở 317 cổ phiếu.

Động lực cho VN-Index lấy lại sắc xanh, chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn. Đóng góp tích cực nhất cho VN-Index là VCB, theo sau là GAS, BID, CTG, MSN, SHB, VNM, TCB, LPB...

Ở chiều ngược lại, HPG tạo lực cản lớn lên chỉ số khi giảm sàn về còn 15.650 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch, HPG dư bán sàn hơn 1,8 triệu cổ phiếu. HPG cũng là mã khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Với việc bị bán mạnh, thanh khoản HPG vọt lên hơn 1.000 tỷ đồng, là mã giao dịch sôi động nhất, giá trị này gấp 3 lần mã đứng sau là DIG - cổ phiếu này cũng bị bán mạnh, giảm sàn xuống còn 17.700 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu thép đồng loạt nằm sàn.

Trở lại với nhóm ngành thép, ngoài HPG còn có HSG, NKG, VGS, giảm sàn. Các mã còn lại trong nhóm thép như NSH, TLH, POM, BVG, TVN cũng giảm sâu, biên độ từ trên dưới 4-6%.

Kết quả kinh doanh bết bát của doanh nghiệp ngành thép đã phản ánh ngay vào giá cổ phiếu trong những phiên gần đây. Quý III vừa qua, kết quả kinh doanh của nhóm này thê thảm, nhiều doanh nghiệp có quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Tổng Công ty Thép Việt Nam (mã TVN) lỗ hơn 530 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) lỗ gần 890 tỷ đồng. Công ty CP Thép Nam Kim (mã NKG) lỗ gần 420 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư thương mại SMC lỗ 188 tỷ đồng. Quý III, các doanh nghiệp trên đều có quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu sử dụng thép trong nước đang ở mức thấp, đồng thời xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực.

Các nhà máy đều đối diện mức lỗ lớn do tồn kho cao ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. Các nhà thương mại giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm”, Hiệp hội thép Việt Nam cho biết.

Từ tháng 5, tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Hòa Phát, ông Long từng chia sẻ, khi lên kế hoạch năm, ban lãnh đạo công ty đã tính toán đến nhiều yếu tố, xác định năm nay hoạt động của ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm đó, ông Long chia sẻ, dù kết quả kinh doanh quý I khá tốt nhưng ngành thép đang không thuận lợi và chỉ cần đợi 2 tháng nữa có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào.

Quý III, Hòa Phát lỗ nặng hơn. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 1.790 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ cao nhất từ trước đến nay.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,57 điểm (0,06%) lên 1.027 điểm. HNX-Index tăng 3,3 điểm (1,54%) lên 210,43 điểm. UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,26%) lên 76,29 điểm.

Thanh khoản dù có cải thiện về cuối phiên, nhưng vẫn ở mức thấp. Giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 9.820 tỷ đồng.

Điểm tích cực trong phiên hôm nay, khối ngoại quay lại mua ròng hơn 230 tỷ đồng. Trong đó, quỹ FUESSVFL được mua ròng mạnh nhất, theo sau là KDH, MSN, VNM, DGC...

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới