Chốt phiên giao dịch 21/4, cổ phiếu ALV của Công ty cổ phần Xây dựng ALVICO đứng mức 12.500 đồng/cổ phiếu, giảm sàn 14,38%, tương đương mỗi cổ phiếu “bay” 2.100 đồng. Mức giảm sâu khiến vốn hóa thị trường của ALVICO bị “cuốn trôi” hơn 11,8 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên giao dịch.
Cổ phiếu Xây dựng ALVICO diễn biến thất thường trong hơn 1 tuần qua. (Ảnh: ALV)
Việc cổ phiếu ALVICO lao dốc không phanh khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ bởi mã này vừa trải qua chuỗi 4 ngày tăng trần liên tiếp. Cụ thể, trong các phiên giao dịch từ 13 - 19/4, mã ALV tăng tới 97%, giúp mỗi cổ phiếu có thêm 6.800 đồng. Đà tăng “khủng” trong thời gian ngắn giúp vốn hóa thị trường doanh nghiệp có thêm hơn 38 tỷ đồng.
Tuy nhiên cũng như các cổ phiếu nhỏ bất ngờ tăng giá đột biến, thanh khoản của ALV khá thấp và thất thường. Trong 8 ngày giao dịch gần nhất, lượng cổ phiếu giao dịch trung bình chỉ khoảng 152.140 đơn vị, trong đó ngày nhiều nhất là 429.301 đơn vị, ngày ít nhất là 7.901 đơn vị.
Không những thế, mã này trải qua chuỗi ngày dài đi ngang tại mức giá 6.800 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần như “đóng băng”.
ALVICO tiền thân là Công ty cổ phần Khoáng sản Vinas A Lưới, được thành lập từ 2008. Hoạt động kinh doanh chính của ALV là thi công xây dựng các công trình giao thông, dân dụng, công nghiệp, khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó doanh nghiệp tham gia đầu tư tài chính, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đại chúng.
Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2021, doanh thu thuần của ALV đạt hơn 100,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 5,6 tỷ đồng, tăng mạnh so 2020.
Tổng tài sản của ALV tại thời điểm lập báo cáo là 89,2 tỷ đồng, giảm 21,8% so với đầu năm.
Hiện ALVICO gánh khoản nợ phải trả hơn 17,7 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 12,2 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 5,5 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch 21/4, VN-Index giảm 14,51 điểm xuống 1.370,21 điểm. Toàn sàn có 132 mã tăng, 311 mã giảm và 58 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 13,43 điểm xuống 366,61 điểm. Toàn sàn có 47 mã tăng, 189 mã giảm và 39 mã đứng giá.
UPCoM-Index giảm 1,51 điểm xuống 104,89 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 24.948 tỷ đồng, tăng 10,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 13,24% lên 21.982 tỷ đồng. Khối ngoại phiên này đẩy mạnh mua ròng hơn 900 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán Asean (AseanSC), đà giảm của thị trường có phần chững lại trong phiên giao dịch, lực cầu bắt đáy gia tăng đẩy thanh khoản tăng khá và cao hơn trung bình 20 phiên. Thị trường sẽ sớm có những phiên hồi phục kỹ thuật trong thời gian tới.
Dự báo trong phiên giao dịch hôm nay 22/4, lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ gần 1.360 - 1.370 điểm có thể giúp VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng, để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.380 - 1.390 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.400 - 1.410 điểm.
Tuy vậy sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về cuối ngày.