Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có nên cấm học sinh nhuộm tóc?

(VTC News) -

Từ vụ cô giáo ở Vĩnh Phúc cắt tóc nữ sinh tại lớp vì nhuộm tóc, nhiều phụ huynh, giáo viên tranh luận có nên tôn trọng quyền tự do các em để tóc nhuộm đến trường?

Cô Nguyễn Hoàng Bích (giáo viên trường THPT ở Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay, các trường vẫn luôn quy định luật bất thành văn việc học sinh đến trường đầu tóc gọn gàng, không được nhuộm tóc. Điều này nhằm tạo ra sự công bằng, môi trường tốt cho các em học sinh cùng phát triển.

Có nên cấm nhuộm tóc?

Giáo viên lo lắng học sinh dành quá nhiều thời gian để chăm chút vẻ bề ngoài mà lơ là học tập. Các em đến trường là để đi học, nhiệm vụ hàng đầu là dành thời gian học, chứ không phải đi biểu diễn hay chăm chú làm đẹp tạo ấn tượng. Hình ảnh của học sinh xưa nay vẫn luôn gắn với sự giản dị, trong sáng, chân phương, mái tóc đen sẽ phù hợp với hình ảnh của các em hơn.

Có nên cấm học sinh nhuộm tóc? (Ảnh minh hoạ: Zing)

Hơn nữa, thuốc nhuộm tóc hiện có nhiều loại hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhuộm tóc dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe cho lứa tuổi mới lớn. Đó là chưa kể đến tâm lý đua đòi, a dua thấy các bạn nhuộm màu này đẹp cũng bắt chước nhuộm theo. Các em viện cớ xin tiền phụ huynh, lãng phí tiền bạc và thời gian vào việc thay đổi màu tóc.

Cho rằng ai cũng có nhu cầu làm đẹp bản thân, nhất là nữ giới để mình được đẹp hơn đáng yêu hơn, nhưng theo TS Nguyễn Thị Huệ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc làm nào cũng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa.

Bà Huệ ủng hộ việc các trường nên mạnh tay hơn nữa trong việc cấm học sinh nhuộm tóc, thoa son môi khi đi học. Thứ nhất, các em lo trang điểm, thường sẽ chú trọng về hình thức hơn. Có trường hợp học sinh ngồi trong giờ, đem gương ra soi, thoa son môi, chải đầu không tập trung học. 

Thứ hai, không nên tạo sự khác biệt khi còn trên ghế nhà trường. Khi còn là học sinh, việc son môi, nhuộm tóc là phản cảm, tạo nên sự khác biệt, chia rẽ không đáng có trong môi trường học đường. Học sinh giỏi, thanh lịch nhất định không phải do nhuộm tóc, tô son mà là ở việc chăm chỉ học hành, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, lễ phép với mọi người.

Hiện không có bất cứ quy định nào của Bộ GD&ĐT cấm không cho học sinh xăm mình, nhuộm tóc, thoa son môi đến trường. Tuy nhiên, để điều chỉnh cách thức ứng xử của học sinh phù hợp với lứa tuổi, thuần phong mỹ tục, nhiều trường học tự ban hành nội quy. Nếu vi phạm nội quy thì nhà trường có quyền áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật như phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước toàn trường thậm chí có thể là buộc thôi học.

Có nên cấm học sinh nhuộm tóc khi tới trường?

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, học sinh thích thời trang, thích thể hiện cá tính là quyền của các em và thầy cô cần tôn trọng. Tuy nhiên, đừng lẫn lộn giữa phong cách đi chơi với đi học. Vì thế, nội quy của nhà trường đưa ra là để yêu cầu các em đi học thì phải nghiêm túc, không thể lẫn lộn kiểu “vừa học vừa chơi”.

Ở trường Đinh Tiên Hoàng, cứ sau lễ tết hoặc sau Noel, trường luôn phải giáo dục, nhắc nhở các em phải tự nhuộm tóc lại đúng màu nguyên bản chứ không phạt, bởi việc này không quá nghiêm trọng đến mức phải sử dụng hình thức kỷ luật.

Không có quy định cấm nhuộm tóc

Thông tư số 32/2020 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường THCS, THPT ghi rất rõ hành vi, ứng xử, trang phục của học sinh nhưng không có nội dung nào cấm học sinh nhuộm tóc.

Cụ thể, ở Điều 37 quy định hành vi học sinh không được là: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ; Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng; Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân; Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Còn ở Điều 36 về Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh có 2 nội dung là hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hoá, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

Về trang phục, học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.

Như vậy, có thể thấy theo Thông tư số 32/2020 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường THCS, THPT, không có nội dung cấm học sinh nhuộm tóc.

Tháng 9/2022, trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) từng gây tranh cãi khi cho phép học sinh nhuộm tóc, bôi son, sơn móng tay, chân khi tới trường. Đại diện nhà trường lý giải, để đi đến quyết định đưa ra nội quy học sinh như trên, ngoài việc thống nhất giữa Ban Giám hiệu, tập thể giáo viên, trường cũng mời bí thư chi đoàn lớp, lớp phó học tập để cho các em góp ý. Nếu các điều cấm mà không thực hiện được thì không nên cấm mà nên khuyến khích sự tự giác của các em, tạo ra sự hài hòa.

Hà Cường

Tin mới