Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Có gì từ siêu xe độ tại Thailand Super Series trên Đường đua công thức 1 Hà Nội?

(VTC News) -

Những chiếc Lamborghini, Audi, Ferrari hay Lexus gầm rú, phô diễn sức mạnh tốc độ tại Mỹ Đình được tinh chỉnh từ các phiên bản đường phố, nhưng phải tuân theo quy luật như công suất, trọng lượng... để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Chỉ còn 3 tháng nữa, tại Đường đua Hà Nội sẽ là những ngày hội dành cho tín đồ mê tốc độ khi chào đón chặng đua Công thức 1 lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ Đình. Để cộng hưởng thêm giá trị mỗi chiếc vé, Công ty VGPC - đơn vị tổ chức của Formula 1 VinFast Vietnam Grand Prix đã mang giải đua Thailand Super Series (TSS) đến Việt Nam như “món khai vị thượng hạng” cho khán giả thưởng thức trước khi xem những màn tranh tài của Lewis Hamilton, Max Verstappen, Sebastian Vettel…

 

TSS bao gồm 4 phân hạng đua là GT3, GTM, GTC và TA2. Đối với những mẫu siêu xe đua, nhà sản xuất sẽ cắt bỏ những chi tiết không cần thiết như điều hòa, ghế phụ, vật liệu cách âm,... để trọng lượng xe giảm xuống mức tối thiểu.

Thay vào đó, những chi tiết thường xuyên được bổ sung là cánh gió cỡ lớn ở đuôi xe để tăng độ bám đường, lốp chuyên dụng để thích nghi với mặt đường đua, các chi tiết tăng tính khí động học như cản trước hay bộ body-kit thân rộng (wide body)... Một vài trang bị khác trở nên bắt buộc như bình cứu hỏa, kính chắn gió hai lớp nhằm đảm bảo an toàn.

 

Những chiếc xe đua ở mọi phân hạng đều phải tuân thủ theo nguyên tắc BOP (Balance Of Performance - Cân bằng hiệu suất). Lấy ví dụ như động cơ trên những mẫu xe GT3 chỉ được sản sinh công suất trong khoảng 500-600 mã lực, cân nặng cũng chỉ được ở mức 1.200 - 1.300 kg. Như vậy một chiếc Ford GT với động cơ 650 mã lực sẽ phải giảm công suất xuống để có thể tham dự vào thể thức này.

 

Thể thức đua GT3 sẽ dành cho những mẫu xe thuộc phân khúc gran-tourer và bắt buộc phải phát triển dựa trên các mẫu xe đường phố được sản xuất đại trà. Tuy nhiên, sẽ chỉ có những mẫu xe nhất định được chấp thuận để tham dự vào giải đua này. Các tay đua sẽ sử dụng Lamborghini Gallardo R-EX GT3, Audi R8 EVO, Lamborghini Huracan GT3 EVO, LEXUS RC- F GT3, Ferrari 458 GT3, Ferrari 488 GT3, Lamborghini Huracan Super Trofeo EVO, Audi R8 ULTRA. Vì thế TSS là cơ hội “có một không hai” cho những tín đồ đam mê tốc độ chiêm ngưỡng những cỗ “chiến xa” tranh tài ngay tại Hà Nội.

Trong khi đó, ở hạng mục GTM, các mẫu xe tham dự thường được sản xuất đại trà hoặc tham dự giải đua Cup Series Cars. Điểm chung của chúng là được trang bị động cơ V8, dung tích không quá 5,8 lít. Porsche 991 GT3 Cup, Lexus RCF-GTM, Ferrari 458 Italia Challenge, Ferrari 488 Italia Challenge là những cái tên quen thuộc hơn cả ở phân hạng này.

 

Hạng đua GTC sẽ có mức BOP nhất định nhưng ở mức thấp hơn so với thể thức GT3. Những quy định khác của hạng đua GTC sẽ giống với thể thức GT4. Thông thường, các mẫu xe GT4 sẽ giữ nguyên công suất với phiên bản sản xuất thương mại. Sự khác biệt sẽ là loại bỏ những chi tiết không cần thiết như hệ thống giải trí, điều hòa trên xe.

Các mẫu xe tham dự vào giải GTC bao gồm Porsche Cayman GT4, Toyota 86, Seat TCR car, SEAT Leon, Porsche 997 Cup.

 

Cuối cùng là hạng đua Trans-Am 2 (TA2) với những mẫu xe có thiết kế tương đồng với giải đua NASCAR, có trọng lượng tối thiểu ở mức 1,28 tấn. Đặc biệt, nhà sản xuất không được phép sử dụng chất liệu titan hoặc sợi carbon trong bất kỳ bộ phận nào trên xe.

Động cơ của những chiếc xe đua tại TA2 phải là loại V8, trang bị hệ thống phun xăng điện tử và hạn chế công suất ở mức tối đa là 490 mã lực và mô men xoắn cực đại 606 Nm. Hộp số trang bị cho xe phải là loại sử dụng cho thương mại thay vì những hộp số tuần tự có khả năng sang số nhanh.

 

Với sự đa dạng của các loại xe và sự phóng khoáng của giải đua, TSS sẽ mang đến cho người hâm mộ môn đua xe thể thao nói riêng và người tham dự chặng đua Formula 1 VinFast Việt Nam nói chung những màn biểu diễn tốc độ mãn nhãn đầy hào hứng.

Quỳnh Chi

Tin mới