Video: Yến Vi Vu kể về hành trình độc hành xuyên Việt trên xe tay côn.
“Một đứa con gái mê đi bụi”, đó là dòng tự giới thiệu của Yến Vi Vu (tên thật Nguyễn Thị Yến) trên trang mạng xã hội của mình. Cô gái 24 tuổi người Bắc Giang này sắp kết thúc hành trình xuyên Việt đến nay đã kéo dài gần 10 tháng. Cô đi một mình, trên chiếc xe tay côn.
Hành trình xuyên Việt đầy màu sắc của cô nàng gen Z.
Mong muốn thực hiện chuyến đi qua tất cả các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam được Yến Vi Vu nung nấu cách đây 3 năm rưỡi, khi cô tới An Giang, trú tại một homestay và nghe mẹ con chị chủ nhà kể về câu chuyện xuyên Việt 5 tháng bằng xe máy của chính họ. Những bức ảnh dán trên tường theo tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S và những câu chuyện họ kể khiến cô gái hoàn toàn bị lôi cuốn và khao khát có một hành trình của riêng mình.
Nhưng vào thời điểm tháng 2/2020 đó, Yến đang là sinh viên, cả tài chính và kinh nghiệm sống đều quá ít ỏi, vì vậy cô tự hứa sẽ thực hiên ước mơ của mình trước năm 25 tuổi, khi đã đi làm và tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Bà chủ homestay ở An Giang là động lực giúp Yến thực hiện hành trình Xuyên Việt.
Được đặt chân đến mọi miền tổ quốc luôn là niềm tự hào của Yến.
Năm 2022, Nguyễn Thị Yến bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Cô đã dành gần như cả năm cho việc đó, từ việc mua xe máy, chuẩn bị thiết bị quay - chụp đến kết nối với bạn bè ở các địa phương.
Chiếc xe máy tay côn giá 40 triệu đồng được cô mua 4 tháng trước khi khởi hành, chạy thử vài cung đường khó cho quen tay. Cô nói về lý do chọn “người bạn đồng hành” này: "Xe tay côn có bình xăng ở phía trước nên rất tiện, khi đổ xăng không phải tháo dỡ đồ đạc phía sau, phần gác-ba-ga phía sau đủ rộng để thoải mái chở đồ. Xe có vẻ ngoài cổ điển khá đẹp, phù hợp với mục đích làm hình ảnh cá nhân. Hơn nữa, chọn xe này cũng là cách tôi thách thức bản thân xem mình có làm được hay không".
Thiết bị công nghệ Yến chuẩn bị gồm có máy ảnh, flycam mini, chân máy, điện thoại iPhone, thẻ nhớ, ổ cứng và laptop, tổng giá trị khoảng 80 triệu đồng. Quần áo và đồ đạc cá nhân của cô rất gọn nhẹ chỉ gồm chăn mỏng, dụng cụ sửa xe, dầu nhớt, áo mưa và giày dép.
Trước đó, Yến tham gia một cộng đồng phượt quy mô lớn, nơi cô tích lũy kinh nghiệm, tạo mối quan hệ với rất nhiều bạn bè cùng sở thích du lịch, cũng là nơi mang lại cho cô thu nhập.
Trước khi đi khoảng 1 tháng, Yến mới dám nói cho bố mẹ biết kế hoạch của mình. Mặc dù đã quá quen với việc con gái đi du lịch xa nhà, bố mẹ Yến vẫn rất lo lắng khi biết cô quyết định đi một mình, tự lái chiếc xe máy “hầm hố” vốn được coi là dành cho đàn ông. Nhưng khi nghe con gái trình bày chi tiết về lộ trình và kế hoạch, họ yên tâm ủng hộ.
Cô gái sinh năm 1999 bắt đầu hành trình dài gần một năm trời chỉ với 20 triệu đồng trong tài khoản. Cô xác định sẽ vừa đi vừa kiếm tiền để trang trải cho chuyến vi vu của mình. Tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cô nàng mê xê dịch này là một Travel Content Creator (người sáng tạo nội dung du lịch) toàn thời gian. Những nội dung cô sản xuất trong chuyến đi sẽ giúp cô đủ tài chính để tiếp tục chinh phục những điểm đến mới.
Kế hoạch này được Yến tính toán rất kỹ. Trước khi đến mỗi địa phương, cô đều liên hệ với nơi lưu trú phù hợp mà mình chọn để trao đổi về việc hợp tác. Sau khi đến đó trải nghiệm, cô sản xuất video, hình ảnh và đăng tải lên mạng xã hội. Khoảng 70% nơi Yến Vi Vu từng lưu trú trong hành trình xuyên Việt này đều được đổi bằng thỏa thuận hợp tác truyền thông.
Để bảo đảm an ninh tài chính, hễ tài khoản rút xuống mức nhất định, cô đều buộc mình kiếm thêm bằng được số tiền đủ cho một tháng tiếp theo. Cô lên kế hoạch chi tiết cho ít nhất một tuần sắp tới, tính toán ngày đi ngày nghỉ sao cho phù hợp với lịch trình và tiến độ sản xuất video.
Chiếc xe máy tay côn là "người bạn đồng hành" của Yến trên mọi cung đường.
Nguyễn Thị Yến bắt đầu xuyên Việt từ ngày 30/1/2023 (mùng 9 Tết Quý Mão) và khi bài viết này được thực hiện, cô đang ở Trà Vinh, chuẩn bị tới các tỉnh miền Tây. Hành trình của cô sẽ kết thúc ở An Giang vào cuối tháng 10 này.
Trong suốt 10 tháng này, cô liên tục chia sẻ cho cộng đồng mê du lịch đang theo dõi mình những trải nghiệm thú vị mê ly có, thót tim có, cảm giác bất lực đến trào nước mắt cũng có.
Cung đường Đông Bắc - Tây Bắc kéo dài 60 ngày là nơi mở đầu cho cuộc hành trình của Yến. Tỉnh đầu tiên mà cô nàng đặt chân đến là Lạng Sơn – nơi giáp Bắc Giang quê hương cô, cũng là điểm khởi hành. Trong chuỗi ngày khám phá đất nước từ phía Bắc, Yến được ngắm vô vàn cảnh núi non hùng vĩ, những cung đường đẹp nhất, đi qua “tứ đại đỉnh đèo” huyền thoại (Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin – những thách thức dành cho phượt thủ thực sự). Cô được chiêm ngưỡng vẻ tuyệt mỹ của mây trời bồng bềnh ở Tà Xùa, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu... với cảm giác hạnh phúc, tự hào thấm vào tim.
Yến không thể quên cung đường từ Điện Biên đến Sơn La, nơi để lại chô cô một bài học để trở thành phượt thủ trưởng thành hơn: "Tôi không nghĩ quãng đường lại dài đến thế, theo dự tính là đi từ trưa rồi khoảng 18h là đến, nhưng thực tế tận 20h tôi vẫn chưa đến được thị trấn Bắc Yên. Đường đèo vắng và rất tối, không có ánh đèn, khi lên dốc tôi thấy bánh xe đảo đảo, nghĩ là bị thủng xăm nên định quay đầu lại, xuống dốc tìm nhà dân để ngủ nhờ, vì chạy xuống dốc sẽ đỡ mệt hơn lên dốc trong khi xe đang có vấn đề. Nhưng sau đó tôi bật đèn lên soi bánh thì hóa ra không sao cả, xe chao đảo là do đi lên vết bánh ô tô chở dầu nên bị trơn. Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm, né vết lốp ô tô ra cho khỏi trơn rồi đi tiếp. Khi đến thị trấn Bắc Yên, tôi phải tìm chỗ ngủ ngay".
Sau lần hú vía đó, Yến rút ra bài học quan trọng là phải tính dư thời gian di chuyển, phòng trường hợp gặp sự cố vẫn có đủ thời gian tìm chỗ ngủ an toàn.
Những khoảnh khắc đẹp của Yến trong 10 tháng rong ruổi một mình.
Xuôi về miền Trung, lần đầu lái xe dọc cung đường biển, Yến như vỡ òa sung sướng trước những gì lọt vào tầm mắt: Cảnh sắc tuyệt vời trên đảo Lý Sơn, vẻ đẹp cổ kính và duyên dáng của Huế và Hội An, những đồi cát quyến rũ ở Phú Yên… Trải nghiệm sống trên đảo hoang Robinson ở Khánh Hòa hay 13 ngày dính mưa tại Đà Lạt… cũng mãi mãi là tài sản quý trong kho ký ức của cô.
Hành trình xuyên Việt của cô gái 24 tuổi cũng có cả nước mắt. Đó là thời điểm Yến thức dậy trong một ngôi nhà ở Vĩnh Long lúc 5h một ngày cuối tháng 9, thò chân xuống giường và giật mình khi nghe một tiếng “tủm” rồi thấy chân dầm trong nước. Cô bàng hoàng khi thấy toàn bộ đồ đạc của mình đang trôi bập bềnh. Cô vội vàng vớt chúng lên và khổ sở khi thấy ổ cứng cũng không thoát khỏi tai họa. Trong video chia sẻ ngày hôm đó, cô nàng Yến Vi Vu vui tươi hoạt bát mọi khi đã phải mếu máo quệt nước mắt. Cô nghẹn ngào cố kìm tiếng nức nở, thú nhận rằng trong nhiều tháng thân gái dặm trường, “đây là lần đầu tiên mình thực sự muốn về”.
Hôm đó, Yến phải tạm dừng kế hoạch vi vu để cứu chiếc ổ cứng quý giá, nhưng cho đến nay cô vẫn chưa rõ dữ liệu trong đó có thể khôi phục được bao nhiêu. Tổn thất này khiến cô gái chưa từng trải qua cảnh nước tràn vào nhà tuyệt vọng đến mức tưởng có thể bỏ dở cuộc hành trình.
Video: Đồ đạc của Yến trôi bập bềnh trong phòng khi bị nước tràn vào nhà.
Tất nhiên, sau phút yếu lòng, cô gái xốc lại tinh thần để đi tiếp. Mỗi ngày, cô thường dậy lúc 6h để đón bình minh, trước 17h phải đến được nơi lưu trú. Buổi tối, cô sẽ đi loanh quanh khu homestay hoặc trong thành phố để trải nghiệm, tham quan chứ không di chuyển, vì một nguyên tắc: An toàn là trên hết.
"Tuy nhiên, nỗi sợ lớn nhất của tôi là sợ người xấu, đối với tôi đó là mối nguy hiểm lớn nhất. Một số sự cố như hỏng hóc xe cộ thì tôi có thể tìm chỗ sửa. Tôi cũng có vài lần sơ suất và gặp đoạn đường khó thì cũng bị ngã xe nhưng may mắn là chỉ xước xát chứ không có gì nặng nề", cô chia sẻ.
Những trải nghiệm đáng nhớ nhất của cô nàng Bắc Giang.
Một mình trên đường thiên lý, cô gái trẻ nhiều khi cũng cảm thấy cô đơn. Yến xóa bỏ cảm giác đó bằng cách bắt chuyện, nói chuyện với những người mình gặp. Cô cũng hay trò chuyện với chiếc xe – bạn đồng hành thân thiết nhất. Ngoài ra, còn có hàng trăm bạn bè, hàng nghìn người mê du lịch đồng hành với cô qua mạng xã hội bằng cách theo dõi cuộc hành trình, cùng cô khám phá những điều mới mẻ ở các điểm đến.
Mỗi cung đường đi qua bằng xe máy, Yến được mở rộng kiến thức về văn hóa, ẩm thực, hiểu được cuộc sống của người dân và giá trị văn hóa của từng địa phương. Cô say sưa hoà mình vào đời sống của bà con các dân tộc, cùng họ đi rừng, leo núi, chèo kayak, trượt thác… Để có những ảnh đánh dấu nơi mình từng đến, cô thường nhờ mọi người xung quanh. Nếu không có ai để nhờ, cô chụp bằng tripod.
Ngoài việc thỏa mãn đam mê xê dịch, Yến coi chuyến xuyên Việt này là một thử thách lớn với bản thân bằng việc bước ra khỏi vùng an toàn. Trước mỗi khó khăn gặp phải trên đường, cô tự nhủ mình phải vượt qua. Tâm thế đó cộng với sự chuẩn bị kỹ càng, thận trọng và cả sự may mắn giúp Yến giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.
"Trong cuộc hành trình dài này, tôi đã được bạn bè giúp đỡ rất nhiều, nhưng ấn tượng nhất là một bạn chỉ vô tình quen khi đang ngồi uống nước lề đường ở đảo Lý Sơn. Người bạn mới ấy đã dành cả một ngày để dẫn tôi đi chơi và chụp ảnh cho tôi, còn mời tôi về nhà ăn Tết Đoan ngọ nữa", Yến tâm sự.
Cô gái Bắc Giang cho biết, kết thúc hành trình xuyên Việt, cô sẽ về thăm nhà nửa tháng rồi trở lại TP.HCM bắt đầu công việc mới. Sau chuyến khám phá dải đất hình chữ S yêu thương, cô sẽ hướng ra nước ngoài và Đông Nam Á sẽ là khu vực cô nàng travel blogger này sẽ ưu tiên trong năm sau.
Rừng dừa bảy mẫu - Hội An.
Những người bạn khó quên trên hành trình vạn dặm của Yến Vivu.
Yến tình cờ gặp "phượt thủ" Motovlognl tại Quảng Trị.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiết kế: Huy Mạnh