30 tuổi, Amanda Nguyễn đang nỗ lực thực tập tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để hiện thực hóa giấc mơ trở thành phi hành gia và được bay vào vũ trụ. Amanda Nguyễn từng bị tấn công tình dục khi đang là sinh viên, nhưng cô không can tâm số phận mà một mình đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của những nạn nhân như mình.
Câu chuyện của cô truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên thế giới. Năm 2019, cô trở thành người phụ nữ gốc Việt duy nhất được đề cử giải Nobel Hòa Bình.
Nhận ra lỗ hổng luật pháp
Năm 2013, Amanda Nguyễn, 22 tuổi, đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Harvard (bang Massachusetts, Mỹ) thì bị tấn công tình dục. Cô rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng nhưng không can tâm im lặng, cô chọn cách chiến đấu một mình chứ không chia sẻ câu chuyện này với gia đình, bạn bè.
Cô bắt đầu tìm bằng chứng, thu thập các mẫu ADN và đến cơ quan chức năng ở Massachusetts tố giác. Sau khi trình báo cô mới vỡ lẽ những bằng chứng đó có thể bị giới chức trách hủy bỏ sau 6 tháng nếu nạn nhân không nộp đơn gia hạn, ngay cả khi thời gian truy tố tội phạm tấn công tình dục là 15 năm. Trong khoảnh khắc ấy, Amanda cảm thấy như mình bị phản bội. Nỗi đau bị xâm hại tình dục cộng với sự thờ ơ của hệ thống pháp luật khiến cô như sụp đổ.
Amanda Nguyễn nhận ra lúc này chỉ có một chọn lựa, hoặc chấp nhận sự bất công đó hoặc viết lại luật. "Và tôi chọn sẽ viết lại luật”, Amanda Nguyễn nói.
Amanda Nguyễn từng trải qua ngày tháng tồi tệ nhưng cô chọn cách đứng lên.
Cô bắt tay hành động bằng việc lên danh sách hơn 20 quyền lợi mà những người bị xâm hại tình dục có trong nhiều bang và thấy rằng mức độ bảo vệ rất khác nhau. Điển hình như ở một vài tiểu bang, chính quyền sẽ không hủy bằng chứng, trong khi ở bang Massachusetts thì ngược lại.
Hành trình bảo vệ người đồng cảnh ngộ
Suy nghĩ đã trở thành kim chỉ nam cho 3 năm đi tìm công lý và thay đổi phần nào đó hệ thống luật pháp của nước Mỹ của Amanda là: “Nếu muốn thay đổi cuộc chơi, bạn phải hiểu rõ luật của nó". 22 tuổi, Amanda trải qua biến cố đau lòng và phải đương đầu với cuộc chơi không cân bằng khi một bên là hệ thống luật pháp Mỹ và đối trọng là một mình cô. Hành trình của Amanda vì thế vô cùng gian nan.
Để tiến trình soạn thảo và đệ trình dự luật được diễn ra hợp pháp, Amanda Nguyễn phải kêu gọi tài trợ được số tiền lên tới 450.000 USD. Đó là điều kiện quá ngặt nghèo với một cô gái mới bắt đầu hoạt động xã hội.
Amanda Nguyễn đã rút hết tiền trong các tài khoản cá nhân để đi lại liên tục nhiều ngày giữa Massachusetts và Washington D.C vận động hành lang cho dự luật. Trong quá trình vận động hành lang, cô nhận ra sức mạnh vô giá của cộng đồng.
Năm 2014, Amanda sáng lập Rise, một tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ các nạn nhân bị xâm phạm tình dục. Rise gây quỹ thông qua trang GoFundMe và mọi thành viên tham gia đều là tình nguyện. Quyết định thành lập Rise nảy ra vào một thời khắc rất đặc biệt, ngày 1/11/2014. Sau hơn 1 năm giấu kín câu chuyện bị tấn công tình dục, cô quyết tâm chia sẻ trên Facebook dù biết điều đó chưa bao giờ dễ dàng.
“Khi tôi bước vào Trung tâm xử lý khủng hoảng tấn công tình dục ở địa phương, nhìn phòng chờ được lấp đầy người, tôi nhận ra không chỉ có mình tôi phải trải qua những chuyện này”, Amanda Nguyễn nói.
Sau 6 tháng thành lập tổ chức Rise, Amanda Nguyễn công bố bản dự thảo dự luật về các quyền của những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục (Sexual Assault Survivors’ Bill Of Rights). Mục đích là giúp nạn nhân sử dụng các quyền căn bản để bảo vệ mình, được gặp tư vấn viên, được cung cấp thông tin toàn diện về các lựa chọn pháp lý, bằng chứng tố giác tội phạm không bị đột ngột tiêu hủy, các luật lệ và thủ tục nhất quán toàn nước Mỹ để truy tố tội phạm tấn công tình dục.
Cô dũng cảm đấu tranh cho những người từng là nạn nhân bị tấn công tình dục như mình.
Tháng 7/2015, Amanda gặp thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen để thảo luận về dự luật cấp liên bang. Tháng 2/2016, bà Shaheen đã giới thiệu dự luật này ra Quốc hội. Khoảng ba tháng sau, dự luật được Thượng viện thông qua trước khi Hạ viện có động thái tương tự vào tháng 9. Dự luật được Tổng thống Barack Obama khi đó ký thành luật vào tháng 10/2016, với tên gọi “Đạo luật về quyền của những người sống sót trong cuộc tấn công tình dục”.
Theo luật mới, nạn nhân bị tấn công tình dục được cơ quan hữu trách thông báo 60 ngày trước khi hồ sơ và chứng cứ bị hủy.
“Chúng tôi đã luật hóa các quyền dân sự cho 25 triệu người từng bị tấn công tình dục ở Mỹ. Những điểm mới của đạo luật giúp những nạn nhân như tôi có thể đòi lại công bằng”, Amanda Nguyễn nói.
Được đề cử Nobel Hòa bình
Với những thành tựu đạt được, Amanda Nguyễn vinh dự là 1 trong 8 phụ nữ trẻ được vinh danh tại sự kiện Young Women's Honor lần thứ nhất (2016) của tạp chí thời trang hàng đầu thế giới Marie Claire. Năm 2017, Amanda được tạp chí Forbes xếp vào danh sách "30 người dưới 30 tuổi có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới". Ngoài ra, cô còn nhận giải Heinz danh giá của Mỹ và giải Nelson Mandela cho những đóng góp làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Năm 2019, Amanda vinh dự được đề cử giải Nobel Hòa bình. Tính đến thời điểm này, cô là người phụ nữ gốc Việt duy nhất nhận được vinh dự đặc biệt này. Cũng trong năm này, tạp chí TIME vinh danh Amanda Nguyễn là nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới trong danh sách TIME 100 Next năm 2019.
Amanda đang cố gắng trau dồi bản thân để hoàn thành ước mơ lớn nhất đời mình là trở thành phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA. Song song đó, cô gái trẻ khẳng định vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng với bất công trong xã hội, đặc biệt là những người yếu thế.
“Điều tôi cảm thấy tự hào nhất là chứng kiến hàng trăm người sống sót sau khi bị tấn công tình dục khắp nước Mỹ nhiệt huyết lên tiếng để tác động tới việc lập pháp và tạo ra thay đổi tại các cộng đồng của mình… Tiếng nói chính là thứ công cụ quyền lực nhất mà chúng ta đang sở hữu. Đó là lý do tôi sử dụng tiếng nói của mình chiến đấu cho điều tôi tin tưởng”, Amanda Nguyễn nói.