Video: 'Thổi hồn' tranh dân gian lên những chiếc đồng hồ qua kính hiển vi
Cơ duyên đưa chị Vũ Thùy Dương (sinh năm 1984) đến với nghề vẽ đồng hồ bắt đầu từ việc nhìn thấy chồng mình chạm vẽ đồng hồ, từ đó chị cũng đam mê và thích những tác phẩm nghệ thuật trên đồng hồ. Chị Dương cho biết, bản thân chị vốn rất yêu cái đẹp, mặc dù không theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng mỗi khi rảnh chị rất hay vẽ. Và từ đó chị nghĩ có thể thử sức với những bức tranh lấy cảm hứng từ những tác phẩm kinh điển.
Điểm đặc biệt của nghệ thuật tiểu họa đó là người họa sĩ đôi khi dùng những dụng cụ vẽ rất nhỏ, mua hoạ cụ sẵn có khi chưa đáp ứng được yêu cầu vẽ chi tiết mà phải đem về chế. Mỗi chiếc bút lông được tỉa chỉ còn 2-3 sợi siêu mảnh để đầu bút đi được những nét tinh tế nhất. Ngoài ra có những chi tiết phải vẽ bằng đầu bút kim loại đường kính chỉ 0,08mm.
Để có thể thực hiện được những bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 30mm, người họa sĩ ngoài khả năng vẽ cần có sự tập trung cao độ, sự sáng tạo, tỉ mỉ để không bỏ qua từng chi tiết dù là nhỏ nhất.
Tất cả các thao tác đều nhìn qua kính hiển vi với độ chính xác và tập trung cao. Tuy nhiên, kỹ thuật của người họa sĩ là yếu tố quyết định sự ấn tượng của tranh tiểu họa vì người vẽ phải căn cứ vào hình khối, hình dạng, màu sắc, kích thước của vật liệu thể hiện để mường tượng ra thứ mình cần họa trên đó sao cho phù hợp, tương xứng nhau. Một bức tiểu họa thành công khi màu sắc, tạo hình của bức tranh có sự hài hòa với màu sắc và hình dạng, kích thước trên vật liệu.
Chia sẻ về niềm đam mê của mình, chị Dương cho biết: "Mỹ thuật dân gian là một trong những giá trị thẩm mỹ quan trọng của Việt Nam và cũng tạo hứng thú cho tôi rất nhiều. Kho tàng tranh dân gian Việt Nam có rất nhiều tranh đẹp, mang ý nghĩa hay. Lấy cảm hứng từ tranh Ngũ Hổ, tôi vẽ bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ "Ngũ Hổ Thần Tướng" chào đón Tết Nhâm Dần, với mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hoá dân gian cũng như khoác lên mình tranh dân gian một diện mạo mới. Vẫn tôn trọng những giá trị truyền thống cốt lõi của tranh dân gian Hàng Trống, năm Ông Hổ trên mặt đồng hồ với chất liệu sơn dầu và vàng lá tạo hiệu ứng màu sắc ấn tượng nhưng không làm mất đi dáng vẻ truyền thống".
Năm Ông Hổ với năm màu sắc đại diện cho ngũ hành: Kim - Thuỷ - Mộc - Hoả - Thổ (trắng - đen - xanh - đỏ - vàng). Điều này người xem rất dễ dàng nhận thấy thông qua các nhân vật hổ: những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong và những con mắt hừng hực nội lực của loài mãnh chúa.
Chất liệu được vẽ lên mặt đồng hồ là chất liệu bền, sử dụng sơn dầu và sử dụng cả vàng. Lớp bảo vệ lúc đầu gặp nhiều khó khăn, chị được sự giúp đỡ của chồng mình là người có kinh nghiệm làm sơn lâu năm và áp dụng kỹ thuật sơn mài, đánh bóng tạo thành 3 lớp bảo vệ cho nên độ bền của tác phẩm lên đến vài chục năm. Tùy tác phẩm, trung bình nữ họa sĩ mất khoảng 2 tuần cho việc lên ý tưởng, vẽ phác thảo, vẽ lên mặt đồng hồ, lên màu, sơn bảo vệ và các thao tác sau đó.
Chị Dương hứng thú với các tác phẩm kinh điển nên triển khai một số mẫu đồng hồ dựa trên các bức tranh nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, chị cũng thiết kế hình vẽ theo ý tưởng và nhu cầu của khách.
Cô nàng 8X muốn đưa các tác phẩm nghệ thuật lên mặt đồng hồ nên ngoài vẽ ra chị còn có các kỹ thuật khác như chạm khắc, khảm tạo thành xu hướng mới đem nghệ thuật đến gần người chơi đồng hồ hơn.
"Tôi được những người thân, những người xung quanh đón nhận tương đối tốt. Tôi đã có khách không chỉ ở Hà Nội mà có cả trong Sài Gòn và một số bạn bè nơi xa biết đến. Mọi người đều đón nhận rất nhiệt tình và thích thú với hướng đi mới này", chị Dương chia sẻ thêm.