Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo vệ đồng tiền Việt Nam như sau:
- Sản xuất, lưu hành, mua bán, vận chuyển, hoặc tàng trữ tiền giả.
- Gây hủy hoại đồng tiền Việt Nam bằng bất kỳ cách nào.
- Sao chép hình ảnh của đồng tiền Việt Nam với mục đích nào đó mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản từ Ngân hàng Nhà nước.
- Từ chối tiếp nhận hoặc lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Người dân không được phép photo tiền Việt Nam để làm kỷ niệm. (Ảnh minh họa)
Căn cứ theo quy định trên, việc sao chép hình ảnh đồng tiền Việt Nam được coi là hành vi sao chụp đồng tiền Việt Nam. Nếu không có sự chấp thuận trước bằng văn bản từ Ngân hàng Nhà nước thì hành vi này sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.
Như vậy, người dân không được phép photo tiền Việt Nam để làm kỷ niệm.
Photo tiền Việt Nam bị xử phạt thế nào?
Điều 31 của Nghị định 88/2019/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ đồng tiền Việt Nam như sau:
Cảnh cáo có thể áp dụng cho các hành vi vi phạm sau đây:
- Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới.
- Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả.
- Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua đào tạo về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua đào tạo nghiệp vụ giám định tiền.
- Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng cho các hành vi vi phạm sau đây:
- Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ.
- Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ.
- Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng cho hành vi phá hoại, hủy hoại đồng tiền Việt Nam trái pháp luật.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng cho hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của đồng tiền Việt Nam không tuân theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm:
- Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c của khoản 2 Điều này.
- Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
- Buộc nộp vào ngân quỹ nhà nước số lợi bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Như vậy, hành vi sao chụp tiền Việt Nam để làm kỷ niệm có thể bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng, kèm theo việc tịch thu toàn bộ tang vật và phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, cũng như buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật và phương tiện này và buộc nộp số lợi nghiệp bất hợp pháp vào ngân quỹ nhà nước.
Có thể photo tiền bằng máy photocopy hay không?
Mọi tờ tiền đều có cơ chế tinh vi để chống làm giả. Ít ai biết cơ chế chống làm giả này còn ngăn chặn việc sử dụng máy photocopy hoặc scan để sao chép hoặc scan một tờ tiền.
Hầu hết các tờ tiền giấy hiện nay được được trang bị ma trận các điểm ẩn, gọi là EURion Constellation (tạm dịch là “Chòm sao EURion), được thêm vào trên các tờ tiền. Khi máy photocopy hoặc scan gặp phải những “chòm sao” này sẽ ngừng hoạt động hoặc không thể sao chép được.
Việc này giúp ngăn chặn hành vi sao chép hoặc scan tờ tiền. Khi đó, máy photocopy hoặc scan không thể sao chép hoặc scan toàn bộ tờ tiền, mà sẽ bỏ qua những khu vực có sự xuất hiện của “chòm sao EURion”.
Tuy nhiên, công nghệ bảo mật chống làm giả EURion Constellation chỉ được áp dụng rộng rãi từ năm 1996. Vì vậy, với một số tờ tiền được xuất hiện trước thời gian đó thì vẫn có thể sử dụng máy photocopy hoặc scan để sao chép bình thường. Bên cạnh đó, theo trang Business Insider, EURion Constellation không phát huy tác dụng với một số máy photocopy hoặc scan thế hệ cũ.