Giáo sư xã hội học Rebecca G.Adams đã từng nói: "Sự gần gũi, lặp đi lặp lại và tương tác ngoài dự kiến là ba điều kiện cần cho một tình bạn và khi cuộc đời rẽ nhánh sẽ khó để thỏa mãn ba điều kiện này hơn."
Và đúng như vậy, khi còn đi học, việc “gần gũi” và “lặp đi lặp lại” dễ dàng hơn rất nhiều bởi môi trường học đường tạo điều kiện thuận lợi cho ta gặp gỡ những người bạn đồng trang lứa. Chúng ta đi học chín tháng trong một năm, từ sáng đến chiều. Còn việc “tương tác ngoài dự kiến” đó chính là những kỷ niệm như cùng ăn vụng, cùng trốn học hay bị phạt,...Và những tình bạn đẹp sẽ được tạo nên từ đó.
Tình bạn, vui chơi nhường chỗ cho cơm-áo-gạo-tiền
(Ảnh: Pinterest)
Tuy nhiên, những cơ hội đó sẽ giảm dần khi chúng ta lớn lên, đặc biệt là sau khi những năm tháng đại học kết thúc. Bước khỏi cánh cửa đại học, bạn có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Bạn không còn thời gian để gặp gỡ bạn bè, những người đã từng là cả thế giới đối với mình.
Càng lớn, chúng ta càng có nhiều trải nghiệm mới tại các môi trường mới, mối quan hệ của chúng ta lại càng đa dạng hơn, thế nhưng đó cũng chỉ là những mối quan hệ xã giao, rất khó để chúng ta kết thân và làm bạn lâu dài.
Yếu tố hoàn cảnh, công việc
(Ảnh: illustrationssbym)
Trong thế giới công việc, khái niệm "gần gũi" khó có thể duy trì, khi các đồng nghiệp liên tục thay đổi vị trí, nhiệm vụ hoặc chuyển công ty. Chỗ làm việc có thể khiến mọi người thành đối thủ, vì vậy ai cũng học cách che giấu cảm xúc, các nhược điểm và chuyện riêng tư của bản thân. Những mối quan hệ công việc thường mang tới một cảm giác máy móc. Rất khó để phân định thời điểm nào những câu chào xã giao kết thúc và khi nào thì tình bạn thực sự bắt đầu.
Thời gian trôi qua, con người cũng thay đổi
(Ảnh: Moonwords Blog)
Rồi ai cũng sẽ trưởng thành và phát triển theo những hướng khác nhau. Chúng ta dần mất đi những sở thích lúc nhỏ, mất đi sự thân thiết với những người mà chúng ta thường chơi chung - người mà lúc đó ta hay gọi họ là bạn. Có lẽ, đó là những yếu tố khiến chúng ta bắt đầu cựa mình thay đổi, chúng ta loại bỏ những thứ không phù hợp với mình kể cả những người bạn.
Đây cũng là một trong những lý do khó nói nhất khi mà việc kết thúc tình bạn này, nó chẳng phải lỗi của ai cả. Chúng ta và cả những người bạn đó đơn thuần chỉ là lớn lên và trở thành những người khác.
Ảnh hưởng của tình yêu
(Ảnh: Redbubble)
Tàn tích của một cuộc tình thông thường không chỉ mất đi người mình yêu mà còn mất cả những người bạn chúng ta vô tình bỏ quên. Khi một trong hai bước vào tình yêu, họ thường quên rằng vẫn còn có những người bạn cần sự quan tâm. Và đến lúc nhớ ra, thì đối phương cũng đã biến mất.
Có rất nhiều lý do vì sao khi càng trưởng thành chúng ta càng khó kết bạn, có ít bạn thân. Vì thế hãy tôn trọng những người bạn thân thời tuổi trẻ vì đó có thể là những người thân thiết hiếm hoi trong đời.