Theo Washington Post, trong chương trình của CNN, cựu tổng thống liên tục né tránh hoặc thậm chí chế nhạo các câu hỏi của người dẫn là Kaitlan Collins (nhà báo chuyên trách về Nhà Trắng của CNN). Chương trình trực tiếp kéo dài 70 phút tại Đại học St. Anselm ở New Hampshire, tối 10/5, và ông Trump tiếp tục nhắc đến những cáo buộc chưa từng được chứng minh về “cuộc bầu cử gian lận” năm 2020 và chỉ trích nhà văn E. Jean Carroll, người vừa thắng kiện ông với cáo buộc tội phỉ báng và hành hung.
Để ví dụ, trong một phân đoạn của cuộc phỏng vấn, khi Collins hỏi ông Trump tại sao ông đưa các tài liệu được phân loại mật khỏi Nhà Trắng, cựu Tổng thống thẳng thừng: "Cô thật là một người khó chịu”.
Hình ảnh trong buổi phỏng vấn.
Theo ông Mark Lukasiewicz - từng là giám đốc điều hành một kênh tin tức truyền hình, đây là “thảm họa có thể đoán trước được”. Nhiều nhà phê bình và các nhà quan sát khác cũng chỉ trích chương trình. “Những lời nói dối cứ thế tuôn ra trên sóng trực tiếp. Một đám đông MAGA (viết tắt của Make American Great Again – khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” nổi tiếng của ông Trump – ám chỉ những người ủng hộ ông) liên tục cười, vỗ tay trước những câu hô hào của Trump… và người điều hành chương trình không thể bắt kịp tốc độ nói dối tương đương với khẩu súng AR-15 đó”, Lukasiewicz bình luận.
Vào thời điểm đang phải vật lộn với tình trạng lượng người xem sụt giảm, chương trình của CNN dường như tiếp tục gặp khó khăn khi số phát sóng cùng ông Donald Trump cũng không mang lại hiệu ứng như mong đợi.
Con số 3,1 triệu người xem tổng thể được đánh giá là một con số gây thất vọng mà chương trình truyền hình thu về, với khung 8 giờ tối. Con số này thấp hơn so với chương trình với ông Joe Biden vào mùa hè năm 2022 (3,7 triệu) và 6 chương trình trước đó mà Fox News thực hiện với ông Trump. Sức hút của CNN và cả cựu tổng thống bị đặt dấu hỏi, theo Washington Post.
Tác động sâu sắc hơn của sự kiện có thể là đối với danh tiếng của một hãng tin tức từ lâu đã tự quảng cáo là “cái tên đáng tin cậy nhất trong giới tin tức”. Nó cũng đặt ra câu hỏi về triển vọng tương lai của giám đốc điều hành Chris Licht, người đã thay thế nhà phê bình Jeff Zucker (người từng thân thiện sau đó chuyển sang phê bình ông Trump) vào năm ngoái. Licht được cho là khiến CNN có giọng điệu trung lập hơn trong khi kênh này vốn nổi tiếng với những bình luận “bùng nổ” trong những năm ông Trump cầm quyền.
Mô típ của chương trình – theo phong cách đấu trường đấm bốc WWE (với giới hạn thời gian và các câu hỏi “tấn công”) cũng bị chỉ trích vì khiến các thông tin không được kiểm chứng kịp thời. Một số người so sánh chương trình với một cuộc vận động tranh cử của ông Trump.
Về phía đài, giám đốc điều hành Licht vẫn cho rằng chương trình với ông Trump theo hình thức này là phù hợp, bên cạnh đó ca ngợi những gì người chủ trì chương trình Collins đã thể hiện.
“Tôi biết rằng đã có những người có ý kiến [và] phản ứng dữ dội, và điều đó hoàn toàn đoán trước được. Và tôi sẽ nói điều này một cách rõ ràng nhất có thể: Bạn không cần phải thích những câu trả lời của cựu Tổng thống, nhưng bạn không thể nói rằng chúng tôi không hiểu chúng. Những gì chúng tôi đã làm đêm qua đã phục vụ rất tốt cho nước Mỹ. Mọi người hôm nay đã thức dậy và biết về lợi ích của cuộc bầu cử này theo một cách khác, với những điều họ không biết vào ngày hôm trước”.
Tuy nhiên, theo Washington Post, một số nhà báo cùng cơ quan không đồng tình với Licht. “Chúng tôi đã làm sai. Chúng tôi đối xử với ông ta như một chính trị gia bình thường có thể xem xét thực tế. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi như đang khiêu vũ xung quanh một nhà mị dân”, một người nói.
Trong cuộc họp với nhân viên, Licht được cho là đã bảo vệ các quyết định dẫn đến sự cổ vũ thiên vị vì đảng phái của khán giả: “Đó cũng là một phần quan trọng của câu chuyện bởi vì những người trong số khán giả đó đại diện cho một phần lớn nước Mỹ. Và sai lầm mà giới truyền thông đã mắc phải trong quá khứ là phớt lờ sự tồn tại của những người đó”.