Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngoại binh triệu USD có giúp Công Phượng bớt gánh nặng ghi bàn?

(VTC News) -

Mua ngoại binh đắt tiền, chiêu mộ hàng loạt tuyển thủ, cựu tuyển thủ QG, hàng công CLB TP.HCM có khởi sắc hơn ở lượt về?

Khả năng tấn công là nỗi ám ảnh với CLB TP.HCM. Mùa trước, đội bóng của HLV Chung Hae Seong dẫn đầu giải hơn nửa hành trình, kết thúc mùa với 5 điểm kém nhà vô địch Hà Nội FC. Thực tế, CLB TP.HCM chỉ bị vượt lên ở chặng cuối bởi non kém về kinh nghiệm.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC không chỉ là ngôi nhất và ngôi nhì. Đó là một trời đẳng cấp. Tính trên phương diện ghi bàn, CLB TP.HCM ghi 41 bàn, bằng hai phần ba với đối thủ. Tức là Hà Nội FC cứ ghi 3 bàn, CLB TP.HCM chỉ ghi được 2. Kém Hà Nội FC đến 19 bàn (giải chỉ có 26 vòng), nên CLB TP.HCM không có cơ hội trước đối thủ. Việc tụt lại chỉ là vấn đề... khi nào. 

CLB TP.HCM luôn loay hoay với khâu ghi bàn. 

Lãnh đạo CLB nhìn thấy điểm yếu này. Chia sẻ với VTC News ngay sau lễ nhận giải á quân, Chủ tịch Hữu Thắng khẳng định: "Nếu không thay đổi, CLB TP.HCM có nguy cơ giống với Khánh Hòa, Thanh Hóa, tức mùa trước đứng cao, mùa sau đi trụ hạng". 

Dễ thấy trọng tâm thay đổi của CLB TP.HCM nằm ở đâu. 4 tân binh ở hàng thủ (Văn Sơn, Đức Lương, Papa Diakite và Bùi Tiến Dũng) không thấm tháp so với 9 cầu thủ mới ở hàng công. Số tân binh đá ở vị trí tiền vệ, tiền đạo được CLB TP.HCM mang về nhiều gần bằng tổng số tân binh của cả Hà Nội FC và CLB Viettel cộng lại.

Đó là đầu tư dễ hiểu trên lý thuyết. Nếu giữ được khả năng phòng ngự (tốt thứ nhì mùa trước), mà tăng được khả năng ghi bàn, CLB TP.HCM sẽ có thứ hạng cao hơn. Chi tiêu cho hàng công thì đỡ mạo hiểm hơn hàng thủ. Các tiền đạo, tiền vệ có thể độc lập tác chiến, nhất là ở V-League, chứ không cần thời gian lắp ghép như hậu vệ.

Bruno Cunha chỉ cần nửa mùa giải để ghi 15 bàn, kéo Viettel từ nhóm cuối lên giữa bảng. 12 bàn thắng của Pedro Paulo trong mùa đầu tiên khoác áo Sài Gòn giúp đội này xếp thứ năm chung cuộc, là minh chứng cho thấy cầu thủ tấn công có thể đóng vai "sói đơn độc", tự thân tạo ảnh hưởng. 

Nhưng mua sắm cầu thủ cần có chiến lược. Mùa giải đầu tiên chơi ở V-League, Viettel thải cả 3 cầu thủ ngoại chỉ sau lượt đi, rồi mua 3 cầu thủ khác ở lượt về. Sau cùng, chỉ Bruno được giữ lại. Tính ra, Viettel phải mua 6 ngoại binh mới chọn được Bruno. Phép tính lãng phí và đắt đỏ, nhưng là đặc quyền của những đội giàu.

Viettel cũng vất vả tìm mua ngoại binh giỏi. 

CLB TP.HCM cũng có đặc quyền này. Trong 9 cầu thủ thi đấu trên hàng công, đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Chung Hae Seong đã dùng tới 5 ngoại binh. Amido Balde, Alex Lima, Viktor Prodell, Jose Ortiz và Ariel Rodriguez là những cái tên được chọn. Chỉ còn 2 cái tên cuối được giữ lại cho lượt về, hiệu quả còn bỏ ngỏ. 

Trong số này, Alex Lima và Prodell rời đội với 0 bàn thắng. Amido khá nhất, cũng chỉ ghi 3 bàn sau 9 trận trước khi bị thanh lý. CLB TP.HCM chưa vấp phải bài toán "mua 6 giữ 1" như Viettel, nhưng họ chưa tìm được ngoại binh nào ghi tới 15 bàn chỉ sau một lượt V-League như Bruno. Chăm đãi cát mà chưa tìm được vàng.

Ngoại binh ghi bàn kém, gánh nặng sẽ đặt lên nội binh. Công Phượng lãnh trách nhiệm, và anh cho thấy CLB TP.HCM đang thắng lớn về cả chuyên môn và hình ảnh khi chiêu mộ mình. Tiền đạo sinh năm 1995 ghi 4 bàn, kiến tạo 3 lần sau 10 trận.

Trận gặp Bà Rịa - Vũng Tàu ở Cúp Quốc gia cho thấy CLB TP.HCM có và không có Công Phượng khác nhau thế nào. Bỏ Công Phượng và ngoại binh ra, đội bóng của HLV Chung Hae Seong kém cả đối thủ mùa trước vẫn đang chơi ở hạng Nhì. 

Công Phượng đơn thương độc mã trong rất nhiều trận của CLB TP.HCM. 

Công Phượng quan trọng đến mức HLV Phạm Minh Đức chỉ cần cử một cầu thủ theo kèm anh, CLB TP.HCM lập tức "tắt điện" trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Việc mua Công Phượng, Huy Toàn cho thấy CLB TP.HCM mua cầu thủ, và sẽ xây dựng lối chơi xung quanh những cầu thủ ấy.

Bóng đá luôn biến thiên, nhưng nhìn chung, cách làm này không bền vững bằng xây dựng hệ thống rồi đắp những cầu thủ phù hợp vào.

Hà Nội FC là ví dụ. Đội bóng Thủ đô có hệ thống tấn công bài bản, được duy trì từ đội trẻ đến đội chính. Quang Hải, Văn Quyết, Thành Lương, Omar hay Hùng Dũng chỉ là một mắt xích trong hệ thống này. Giữa hệ thống chiến thuật và cầu thủ có mối quan hệ cộng sinh, khi cả hai tối ưu hóa và nâng tầm nhau.

Ở CLB TP.HCM, mối quan hệ này chỉ đến từ một phía, đó là cầu thủ nâng tầm đội bóng, chứ nội lực đội bóng chưa giúp cầu thủ phát huy hết điểm mạnh. 

Ngoại binh của CLB TP.HCM có chất lượng? 

Công Phượng, Huy Toàn khó chơi được hết khả năng khi đầu mùa giải, họ dùng chung bữa sáng với Amido. Vài trận sau, buổi tập tấn công có thêm một cái tên mới là Lima. Giữa mùa, Công Phượng được biết anh sẽ đá với hai đồng đội từ Costa Rica.

Đến cuối mùa, đồng đội trên hàng công của Phượng có khi là Lâm Ti Phông. Không thể đòi hỏi phi thực tế là Công Phượng phải chơi hay dù đồng đội là ai. 

Vấn đề không nằm ở Công Phượng hay trình độ của ngoại binh triệu USD. Mang về 9 cầu thủ tấn công mới, CLB dường như phó mặc vào khả năng tự xoay sở của từng cá nhân nhiều hơn là xây dựng một cách chơi bài bản.

Sau 11 trận V-League, 2 trận ở Cúp Quốc gia và 3 trận AFC Cup, CLB TP.HCM vẫn chưa có hình thù rõ ràng. 9 trận còn lại ở V-League nhiều khả năng cũng vậy. 

Sau 11 trận, CLB TP.HCM ghi 16 bàn, nhiều thứ 5 V-League, kém cùng kỳ mùa trước 1 bàn. Đội bóng của Chung Hae Seong có 4 trận ghi 3 bàn, nhưng có tới 6 trận ghi 1 bàn trở xuống. 4 trận gần nhất ở V-League và Cúp Quốc gia, CLB TP.HCM chỉ ghi 4 bàn (3 bàn vào lưới Bà Rịa - Vũng Tàu).

"Về mặt con người, mức độ đầu tư, CLB TP.HCM không thua kém Hà Nội FC. Nhưng họ nôn nóng, chưa nhẫn nại, chưa có lộ trình cần thiết. CLB TP.HCM cần thời gian để tốt hơn", chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích.

Hồng Nam

Tin mới