Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Việt Nam chưa nên công bố hết dịch dù 27 ngày không có ca mới

(VTC News) -

Theo chuyên gia, tuy Việt Nam kiểm soát tốt nhưng việc công bố hết dịch COVID-19 thì chưa nên tính đến và không cần thiết ở thời điểm này.

Khi nào công bố hết dịch?

Theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và quyết định 02 của Thủ tướng, căn cứ để công bố hết dịch với các bệnh dịch sẽ phụ thuộc vào thời gian không ghi nhận thêm các trường hợp mới.

Với bệnh dịch truyền nhiễm như COVID-19, nếu qua 28 ngày không phát sinh ca mới trong cộng đồng thì có thể tính đến việc công bố hết dịch.

TS Đặng Quang Tấn – quyền Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm quy định rất rõ điều kiện để công bố hết dịch, như thời gian cụ thể không ghi nhận ca mắc mới.

Trong thời gian này các địa phương đáp ứng và triển khai đầy đủ những biện pháp phòng chống dịch hay chưa? Ví dụ như công tác thành lập ban chỉ đạo, công tác về giám sát, điều trị, hậu cần, tuyên truyền… Nếu địa phương đảm bảo được đầy đủ các điều kiện trên thì sẽ công bố hết dịch ở địa phương đó.

“Tùy theo mỗi dịch bệnh sẽ có các mốc thời gian khác nhau. Với COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh là 14 ngày, nên thời gian có thể công bố hết dịch sẽ gấp đôi thời gian ủ bệnh là 28 ngày. Thời gian này sẽ được tính từ trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.

Thêm nữa, khi đảm bảo được tất cả các điều kiện về thành lập ban chỉ đạo, giám sát, tuyên truyền hay hậu cần... về dịch bệnh, thì có thể công bố hết dịch ở địa phương đó”, ông Tấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Chưa cần thiết công bố hết dịch

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng khẳng định nước ta đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Y tế cũng nhận định việc xuất hiện các trường hợp ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở mức rất thấp.

Vì vậy Chính phủ thực hiện nới lỏng các biện pháp, đưa cuộc sống trở lại bình thường và tập trung cho cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Trước câu hỏi Việt Nam có công bố hết dịch hay không, ông Long cho biết không nhất thiết phải công bố. Vì nước ta luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng, không chủ quan, không lơ là để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả cao nhất.

Chung quan điểm, PGS. TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cho hay, tuy chưa công bố hết dịch nhưng nước ta cũng có những nới lỏng, tạo điều kiện cho các hoạt động được diễn ra, từ việc chuyển yêu cầu sang khuyến cáo cho người dân sinh sống, làm ăn phù hợp, đến cho phép một số hoạt động, kinh doanh buôn bán.

Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, việc công bố hết dịch hay không ở Việt Nam cũng không phải vấn đề quá “bức xúc” lúc này.

“Để công bố hết dịch, chúng ta cần có những phân tích rất cụ thể của các cấp, các ngành. Dù có công bố hay không công bố Việt Nam vẫn sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp trong điều kiện dịch hiện nay chúng ta đã kiểm soát được”, ông Phu nói.

Tuy Việt Nam kiểm soát tốt dịch, nhưng theo các chuyên gia, thời điểm hiện tại chưa thể tính tới thời gian công bố hết dịch COVID-19 tại nước ta. (Ảnh: Bộ Y tế)

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng khẳng định, nước ta chưa tính đến việc công bố hết dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam cũng như khẳng định khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 là rất thấp.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể tính thời điểm công bố hết dịch là khi nào. Vì tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp, các ca bệnh vẫn còn tăng cao, Việt Nam lại đang thực hiện việc bảo hộ công dân về nước. “Nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới vẫn có thể xảy ra”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Đến nay  Việt Nam ghi nhận 288 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, 252 người khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện theo quy định của Bộ Y tế.

Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.634.

Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 322; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.819 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 5.493. Nước ta có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Cả nước hiện còn 36 bệnh nhân điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, thì 7 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus corona và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.

Video: Bệnh nhân số 19 mắc COVID-19 nặng phục hồi kỳ diều, vẫy tay chào bác sĩ

 

Phạm Quý

Tin mới