Phát biểu tại Hội thảo quốc tế Biển Đông hôm 18/11, một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc đã có sự dịch chuyển cách tiếp cận từ xung đột sang ngoại giao, thông qua các thỏa thuận chung và các cuộc đàm phán.
Trung Quốc đổi cách tiếp cận
“Tham vọng của Trung Quốc tại khu vực với các yêu sách lãnh thổ chưa thay đổi, song nước này đã có sự dịch chuyển chiến thuật từ các hành động sang cách tiếp cận ngoại giao hơn thông qua các thỏa thuận chung, đàm phán với các bên trong khu vực”, ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia, Chủ tịch tổ chức Asia Society nhận xét.
Ông Kevin Rudd - Chủ tịch tổ chức Asia Society.
“Khi chúng ta nhìn vào Biển Đông, có thể thấy Trung Quốc rất ưa chuộng cách tiếp cận song phương, không nặng tính pháp lý để giải quyết tranh chấp”, PGS. Stephen R. Nagy, chuyên gia chính trị và nghiên cứu quốc tế, Canada đồng tình. Theo ông, điều này về cơ bản không phù hợp với nguyên tắc dựa trên luật lệ của khu vực.
Học giả Canada cũng cho rằng việc Trung Quốc chuyển từ cách tiếp cận xung đột ở Biển Đông sang tập trung vào hợp tác song phương với từng bên có thể tạo ra các thách thức mới với ASEAN trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Điều quan trọng với các nước ASEAN là tiếp tục duy trì sự đoàn kết, thống nhất, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật hàng hải quốc tế, để tạo ra một tương lai rực rỡ hơn.
Biển Đông cần cách tiếp cận tổng thể
Theo các chuyên gia, trước sự cạnh tranh trong khu vực dẫn đến thách thức ở Biển Đông, các cách tiếp cận tổng thể và phức tạp, đa phương hóa cũng đã xuất hiện. Bên cạnh đó, Biển Đông không chỉ còn là câu chuyện về an ninh.
“Tôi gọi việc hình thành các cơ chế liên quan gần đây là cách tiếp cận nhiều lớp. Chúng ta nhìn thấy Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, EU, đưa ra các tầm nhìn hoặc chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tập trung vào luật lệ, sự minh bạch, quản lý các thách thức như thách thức ở Biển Đông. Trong quá trình “phân lớp” này, chúng ta cũng nhìn thấy các bên không chỉ chọn cách tiếp cận an ninh mà họ còn chọn cách tiếp cận thương mại, ngoại giao, phát triển... Như trong một số chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các bên đầu tư vào kết nối cơ sở hạ tầng”, ông Nagy nói.
Chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận tổng thể với các trụ cột thương mại, an ninh, phát triển, đặc biệt là ngoại giao, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để giải quyết các tranh chấp trong khu vực và tìm kiếm khả năng hợp tác.
Hội thảo Biển đông lần thứ 13 quy tụ nhiều học giả, chuyên gia bàn luận về các vấn đề trên Biển Đông.
Cần sử dụng hiệu quả UNCLOS
Thảo luận về tiến trình xây dựng trật tự pháp lý trên biển, các chuyên gia đánh giá, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) vẫn là công cụ hữu ích để giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.
"Đây không chỉ là một vấn đề thời sự mà còn là một chủ đề quan trọng vì luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển vẫn là khuôn khổ nền tảng cho mọi ứng xử trên đại dương của chúng ta.
Trong thời gian gần đây, các quy tắc, chuẩn mực và luật lệ trong lĩnh vực hàng hải tiếp tục bị thách thức. Và do đó, điều cần thiết là chúng ta phải tiếp tục đối thoại để củng cố sự hiểu biết chung về luật pháp quốc tế, và điều này rất quan trọng để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Rubyn Mudie nhấn mạnh.
Theo hội thảo, UNCLOS là một công cụ hữu ích để giải quyết vấn đề ở Biển Đông, chỉ có điều các quốc gia có thể đang giải thích công ước theo những cách hiểu khác nhau. "Tôi không nói UNCLOS hoàn hảo nhưng rõ ràng việc áp dụng sẽ góp phần vào thiết lập trật tự dựa trên luật lệ, chúng ta cần tập trung vào việc sử dụng công cụ này như thế nào để phát huy hiệu quả nhất”, chuyên gia Joanna Mossop từ New Zealand bình luận.
Các quốc gia cũng cần có cam kết lớn hơn với việc tuân thủ theo các quy định, điều khoản đã được đưa ra trong luật pháp quốc tế.
Học giả Philippines, Jay Batongbacal, nhìn nhận lại vấn đề thông qua phán quyết tòa trọng tài năm 2016. Ông rút ra rằng đối với các hoạt động trên Biển Đông, các bên có nghĩa vụ thực hiện các cuộc đàm phán một cách thiện chí và cố gắng đạt được một giải pháp công bằng. “Họ phải tránh việc chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên hoặc gây ra những thiệt hại vật chất cho đáy biển và đất dưới đáy biển và gây ra thiệt hại vĩnh viễn, không được dùng các biện pháp đe dọa”.
Bên cạnh đó, theo ông, cần cung cấp thông tin hoặc ít nhất là tìm hiểu về hoạt động của bên kia, và cuối cùng là không nên đơn phương áp đặt cách hiểu về quyền của mình, mà cần sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp hòa bình.