Trong một bài luận mới đây, cây bút chuyên viết mảng quốc phòng Tyler Rogoway của tờ The Drive đã có những đánh giá đầu tiên về mẫu tiêm kích tàng hình một động cơ với định danh “Checkmate” – tạm dịch “Chiếu tướng” của Nga sẽ được giới thiệu tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021.
Từ những hình ảnh được đăng tải trên các mạng xã hội có thể thấy tiêm kích tàng hình "Checkmate" đã sẵn sàng cho việc ra mắt sau chiến dịch quảng bá rậm rộ của tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga suốt 2 tuần qua.
Với những video trực tiếp từ hậu trường MAKS-2021, Rogoway nhận định nhiều khả năng tiêm kích mới của Nga sử dụng thiết kế cửa hút gió siêu âm tán khí (DSI). Điều này hoàn toàn phù hợp với khái niệm máy bay chiến đấu một động cơ đang được các nhà chế tạo máy bay Nga theo đuổi trong thời gian gần đây.
Thiết kế tổng thể của tiêm kích tàng hình mới của Nga. (Ảnh: Rostec)
Thiết kế tổng thể của tiêm kích “Checkmate”
Thiết kế này về cơ bản sẽ cung cấp luồng khí ổn định cho động cơ trên một mặt phẳng hoạt động rộng mà không cần phải có hệ thống cơ khí và điều khiển quá phức tạp, đồng thời cũng giúp ngăn chặn mặt quạt động cơ hấp thụ sóng radar từ hầu hết các góc độ.
Cũng theo Rogoway, “Checkmate” sử dụng thiết kế kính buồng lái kiểu trượt về phía sau giống như Su-57 – dòng tiêm kích tàng hình đầu tiên của Nga, mẫu máy bay mới có thể đã sử dụng ít nhiều thiết kế của “đàn anh” khi cả hai đều do hãng Sukhoi phát triển. Hệ thống quang hồng ngoại phần lớn được lắp ở phía trước vòm kính buồng lái, giống như hầu hết các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.
Về thiết kế tổng thể, “Checkmate” sử dụng một cặp cánh đuôi vát góc thay vì cách đuôi ngang và dọc theo truyền thống. Cấu hình này giúp máy bay có khả năng cơ động cao, giảm tiết diện phản xạ radar và cũng giảm phát xạ hồng ngoại từ nhiều góc cạnh.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay rất nhiều máy bay chiến đấu hiện đại đang sử dụng kiểu thiết kế này trong đó có cả các thiết kế của Mỹ. Điển hình như Chương trình công nghệ tấn công tiên tiến chung (JAST) và Chương trình máy bay tiêm kích phối hợp (JSF), với các mẫu thử nghiệm YF-23 và Boeing X-32.
Tiêm kích mới của Nga được sơn ngụy trang kỹ thuật số màu xám ở thân máy bay phía trên cùng màu xanh nhạt phía dưới bụng. Kiểu sơn ngụy trang này khá phổ biến với các máy bay hiện đại của Nga và gần giống với cách phối màu trên Su-57. Chiếc tiêm kích mới mang số hiệu Blue 75 (có thể nó sẽ được đặt tên là Su-75?) và ngôi sao màu Đỏ của Nga trên đuôi.
Tiêm kích "Checkmate" trong khu vực trưng bày MAKS-2021. (Ảnh: Rostec.)
Ngoài cửa hút khí thì một chi tiết mới rất đáng quan tâm là khoang chứa vũ khí hình ống dài, tương đối hẹp, nằm ở phía trước càng đáp phía trước. Do chỉ quan sát thấy ở một góc nhìn nên rất khó có thể đưa ra nhiều kết luận khác biệt, nhưng có vẻ khoang phù hợp nhất với một tên lửa không đối không tầm ngắn.
Đây là một thiết kế tương tự như Su-57, loại máy bay có các khoang vũ khí dành riêng cho tên lửa không đối không tầm ngắn ở mỗi bên. Xét tới kích thước dày hơn ở phần thân giữa, “Checkmate” có thể cũng được trang bị một khoang chứa vũ khí ở bụng.
Phần mũi máy bay có vẻ khá vuông vức, tất nhiên chỉ là nhận xét từ góc độ mà chúng ta đang nhìn thấy hiện nay. Thiết kế này sẽ giới hạn kích thước của radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) mà nó có thể trang bị. Nếu quan sát được ở một góc nhìn tốt hơn thì nhận xét này có thể thay đổi.
Hình ảnh mới nhất của cũng cho thấy “Checkmate” sẽ có khoang nhiên liệu lớn bên trong. Vì vậy, sẽ rất thú vị khi nghe hãng sản xuất Nga công bố về phạm vi hoạt động của dòng máy bay một động cơ này.
Video do tập đoàn Rostec công bố cũng cho thấy cửa xả khí dạng răng cưa của động cơ Izdeliye 30 đang phát triển cho Su-57.
Một chi tiết nữa ở hậu trường MAKS-2021 cũng rất đáng quan tâm là sự xuất hiện của loại vũ khí trông giống như tên lửa chống hạm KH-59MK. Nó có thể sẽ là một phần trong màn trình diễn lớn hơn về các loại vũ khí xuất khẩu mà “Checkmate” dự định sẽ triển khai.
“Checkmate” nhiều khả năng sẽ được trang bị động cơ phản lực Izdeliye 30 đang phát triển cho Su-57. (Ảnh: Rostec)
Nga sợ mất thị phần chiến đấu cơ
Cuối cùng, dựa trên những hình ảnh hiện tại có thể thấy Sukhoi đã làm khá tốt trong việc tối ưu hóa thiết kế của “Checkmate”, nó có phần giống một phiên bản rút gọn của Su-57, bởi các nhà chế tạo máy bay Nga trong thiết kế, chế tạo và sử dụng vật liệu luôn có phương án tối ưu nhất nhằm đảo bảm chi phí và duy trì hiệu suất của mỗi chiếc máy bay.
Tyler Rogoway cũng cho rằng thiết kế của “Checkmate” sẽ giúp người Nga có thể cạnh tranh với dòng tiêm kích tàng hình của Mỹ trên thị trường vũ khí hiện nay. Và mọi thông tin chi phí mua sắm và vận hành về mẫu tiêm kích này sắp được công bố tại MAKS-2021 sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nước.
Dĩ nhiên, mục tiêu của Rostec và cả Sukhoi khi phát triển “Checkmate” là hướng nó đến thị trường xuất khẩu, bởi thị trường tiêm kích tàng hình thế giới trong tương lai sẽ có thêm nhiều quốc gia khác nhập cuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga đang cố gắng nắm bắt trước xu hướng ở một mức độ nào đó nếu họ muốn giữ vững thị phần xuất khẩu chiến đấu cơ của nước này hiện tại.