Nội dung trên được đưa ra bàn luận tại tọa đàm “Phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong giai đoạn mới” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) tổ chức sáng 6/4.
Toàn cảnh tọa đàm “Phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong giai đoạn mới”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn - Lê Minh Hoan nhận xét: “Hợp tác xã (HTX) còn nhiều khó khăn nhưng bên cạnh đó tôi cũng nhìn ra đội ngũ những giám đốc HTX trẻ, dấn thân và năng động tiếp cận những cái mới.
Giám đốc HTX khác Giám đốc một doanh nghiệp. Giám đốc HTX là thủ lĩnh một cộng đồng nông thôn, có khả năng truyền cảm hứng, khả năng thuyết phục chứ không phải chỉ có khả năng điều hành phương án sản xuất kinh doanh cho HTX mình. Vì thế, việc cần thiết nhất bây giờ là nâng cao năng lực cho các lãnh đạo HTX. Việc này đều đang được các bộ ngành liên quan triển khai.
Chúng ta cần có một chương trình hành động chung trí thức hóa, nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo và thành viên của HTX. HTX cần kết nối với doanh nghiệp để tạo ra động lực mới, người dân thấy rằng khi tham gia HTX thì chi phí giảm đi, có thị trường ổn định, có thể tham gia vào một chuỗi ngành hàng dưới quy mô HTX cho phép”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư - cũng cho rằng cần có công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục để cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của HTX.
“Kể cả các cán bộ quản lý cũng nghĩ mô hình HTX là mô hình cũ từ thời bao cấp chưa đổi mới, rồi thì chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp, một vài người nông dân kết hợp với nhau hay đơn thuần chỉ là sản xuất nhỏ lẻ. Có người nghĩ HTX như một doanh nghiệp, phải phát triển như một doanh nghiệp, phải tập trung nhiều hiệu quả và lợi nhuận.
Nhưng không phải, bản chất của hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn. Chúng ta phải bám sát bản chất đó là tập hợp các thành viên có cùng chí hướng với nhau, hợp tác vì mục tiêu chia sẻ vì kinh tế xã hội và văn hóa. Chúng tôi thấy công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh hơn cả trong các cơ quan Nhà nước”, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Ông Đông cũng cho biết, trong 10 năm, khi tổng kết thực hiện luật HTX 2012, mô hình HTX đạt được rất nhiều kết quả tích cực với hơn 29.000 HTX và liên minh HTX được thành lập. Trong đó, rất nhiều HTX hoạt động với mô hình mạnh mẽ, doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ, thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp chiếm đa số với hơn 70%.
Hiệu quả hoạt động HTX cũng đã tăng hơn 2 lần số lượng hoạt động có hiệu quả, từ con số hơn 6.000 HTX năm 2013 lên 14.000 năm 2021.
Bên cạnh đó, hoạt động của liên HTX và HTX từng bước ổn định, đặc biệt là doanh thu và thu nhập của thành viên người lao động tăng lên, theo thống kê năm 2021 đã tăng 107% so với 2013.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại tọa đàm.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy hoạt động của hợp tác xã còn nhiều khó khăn và thách thức. HTX của chúng ta phần lớn và quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu và sự liên kết hợp tác giữa các tổ chức để tăng cường sử dụng các sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh chưa cao. Số lượng thành viên thì sụt giảm từ 8 triệu thành viên năm 2013 xuống còn 5,7 triệu năm 2021.
“Đặc biệt chúng tôi thấy HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý so sánh với các mô hình khác thì còn nhiều hạn chế. So với khu vực doanh nghiệp thì chúng ta thấy thu nhập doanh thu của HTX chưa bằng được 50%, thì đây là những thách thức rất lớn”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, có một số nguyên nhân chính khiến HTX chưa hoạt động hiệu quả như kỳ vọng.
Đầu tiên do luật HTX và các nghị định hướng dẫn bằng văn bản chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, chưa thích nghi kịp thay đổi nhanh chóng yêu cầu của bối cảnh quốc tế và cả trong nước.
Về cơ chế chính sác hỗ trợ ưu đãi là chưa đủ mạnh, đặc biệt về tài chính, vốn, đất đai và mặt bằng sản xuất…
Thứ ba là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục để cán bộ các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương và nhân dân nhận thức đẩy đủ vai trò, vị trí của hợp tác xã còn chưa thường xuyên chưa liên tục.
“Chúng ta thấy được những nguyên nhân trên khiến chưa có nhiều mô hình HTX thành công để phát triển phổ biến nhân rộng. Bản thân HTX trình độ quản lý cũng chưa cao, tính hợp tác, tin cậy giữa các thành viên còn thấp, trình độ quản trị cũng chưa cao, đặc biệt vai trò cán bộ lãnh đạo của HTX rất quan trọng”, ông Đông nhận định.
Để khắc phục những tồn tại trên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, bộ này sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa luật HTX 2012, trong đó có một số nội dung chính.
Thứ nhất quy hoạch đồng bộ các loại hình tổ chức HTX ngay tại luật. HTX phải có mô hình quản trị thay đổi gắn với từng mô hình cụ thể. Ví dụ như hợp tác xã nông nghiệp chiếm 70%, chúng ta phải cân nhắc có những quy định về mô hình quản lý hay chính sách cho phù hợp với hợp tác xã nông nghiệp.
Thứ hai là mô hình phải phù hợp, có hợp tác xã có 3-4 thành viên nhưng lại yêu cầu đầy đủ hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc… thì không phù hợp.
Thứ ba, phải quy định đầy đủ 8 nhóm chính sách đã quy định trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tập thể phải đầy đủ và theo hướng ưu đãi.
“Luật hợp tác xã cần sửa đổi các quy định theo hướng thông thoáng, dễ hiểu, dễ làm. Tháo gỡ tối đa các rào cản đảm bảo quyền tự chủ, tự quyết của các tổ chức kinh tế tập thể, phát huy giá trị tốt đẹp của mô hình hợp tác xã nhưng không xa rời bản chất và nguyên tắc chủ đạo của liên minh HTX quốc tế.
Tạo khung pháp lý để các tầng lớp nhân dân thực sự tin tưởng và thích thú tham gia vào các tổ chức hợp tác này", ông Đông kết luận.
Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
Trên cơ sở đó, Đảng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức hợp tác xã, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.