Tuy nhiên, để việc chuyển đổi số tại các HTX thành công cần thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ; đồng thời phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực...
Qua 45 năm xây dựng và phát triển, HTX Mây tre An Khê (Đà Nẵng) đã có một số kinh nghiệm để sản xuất kinh doanh hiệu quả, có giá trị và bền vững. HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến máy chẻ mây làm cho sản phẩm chính xác, bóng láng hơn mà vẫn bảo đảm chất lượng cùng hình thức, nâng cao tính thẩm mỹ sản phẩm, được khách hàng ưa chuộng.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc HTX Mây tre An Khê, trước đây HTX phải mua máy chẻ mây của Đài Loan, Singapore nhưng mỗi máy chỉ chẻ từ 1 đến 2 cỡ mây, còn nếu chẻ nhiều cỡ thì độ chính xác không cao và máy hay bị hỏng.
Từ kinh nghiệm thực tế tích lũy qua nhiều năm, HTX mạnh dạn cải tiến kỹ thuật đầu tư sản xuất máy móc thiết bị trong nước; chế tạo được một máy chẻ được nhiều loại cỡ mây, nhiều loại dao và sản phẩm nguyên liệu như ý, giảm chi phí, tiết kiệm được nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm và đạt tiêu chuẩn về chất lượng, thẩm mỹ theo yêu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, HTX áp dụng lò luộc mây công nghệ mới, tăng tính an toàn và năng suất đạt cao hơn lò luộc thủ công trước đây. HTX cũng chế tạo lò sấy mini để đáp ứng yêu cầu cơ động, di chuyển linh hoạt, đỡ tốn công sức; đầu tư xe xúc lật, thay thế cho 15-20 nhân công nếu làm cùng thời gian và tăng năng xuất lao động.
Bán hàng qua mang đem lại lợi ích thiết thực cho các HTX.
"Hiện nay HTX làm việc chủ yếu qua qua điện thoại, email, Zalo, messenger, Facebook, Whatsapp, phần mềm kế toán riêng, chữ ký số, hóa đơn diện tử... và sử dụng các dịch vụ vận chuyển nhanh, vận chuyển đường dài nội bộ, ứng dụng vào việc chuyển đổi số để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay", ông Nguyễn Hoàng cho biết thêm.
Có thể nói, chuyển đổi số thực sự là chìa khóa giúp các HTX bứt phá trong nâng cao năng suất, sản lượng và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên bài toán nhân lực chuyển đổi số vẫn là vấn đề khiến các HTX "đau đầu" đi tìm lời giải.
Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX Hòa Phong 1, nêu thực trạng: "Hiện ban lãnh đạo của HTX có 5 người thì cả 5 người là người cao tuổi, gắn bó với HTX lâu năm. Mức thu nhập cán bộ HTX tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp nên người trẻ không mấy mặn mà. Hiện chúng tôi đã đề xuất và ấp ủ nhiều dự án liên quan đến chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới nhưng tương lai không có người trẻ am hiểu, dẫn dắt thì rất khó thực hiện".
"Chính vì thế, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho con em làm việc lâu dài, nhất là cán bộ trẻ tại địa phương có sự am hiểu đặc điểm, tình hình của địa phương", ông Nguyễn Sĩ bày tỏ.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Kết quả khảo sát các HTX cũng cho thấy còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, chuyển đổi số tại các HTX vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn bởi ba nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời là điều kiện nền tảng để thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp gồm tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực đều hạn chế.
Ứng dụng Drone trong nông nghiệp là một phương án chuyển đổi số hiệu quả.
Trong đó, phần lớn các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn về vốn trong kinh doanh, khó bố trí nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật; mức độ sẵn sàng và khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ quản lý, thành viên HTX đều ở mức dưới trung bình do trình độ thấp, độ tuổi trung bình cao và tâm lý ngại thay đổi; cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn lạc hậu do HTX không có tài chính để đầu tư.
Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những quy định, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù áp dụng cho đối tượng đặc thù HTX liên quan đến chuyển đổi số. Các HTX khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển và thông tin liên quan đến chuyển đổi số: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" chưa điều chỉnh đối tượng HTX.
Hiện nay, tỉ lệ thành viên HTX có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản, trình độ chủ yếu ở mức tiểu học và trung học cơ sở.
Theo kết quả khảo sát, mức độ hiểu biết và kỹ năng số của thành viên HTX đạt mức trung bình, mức độ sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số hạn chế, năng lực chuyển đổi số của thành viên HTX vẫn ở mức độ dưới trung bình; nhân lực phục vụ chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin tại các HTX còn nhiều hạn chế về năng lực.
"Liên minh HTX Việt Nam mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương dành nhiều sự quan tâm hơn tới các HTX nói chung và trong quá trình chuyển đổi số nói riêng, xây dựng những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ về nguồn nhân lực, tài chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số (trong hoạt động quản lý, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm), hỗ trợ thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở các địa phương,... hướng dẫn cụ thể, thiết thực hơn nữa, phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp HTX có thể áp dụng hiệu quả hơn những hạng mục trong quá trình chuyển đổi số", ông Bảo kiến nghị.