Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quỹ Hợp tác xã được huy động vốn và cho vay, nếu thua lỗ ai chịu trách nhiệm?

(VTC News) -

Quy định quỹ hợp tác xã được huy động vốn và cho vay trong các thành viên, song ĐBQH băn khoăn, quỹ này có theo chế tài, quy định của ngân hàng hay không.

Chiều nay (1/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ việc cần thiết ban hành sửa đổi Luật Hợp tác xã, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững, hiệu quả. Luật hiện hành cách đây 10 năm, nhiều bất cập bộc lộ rõ nhưng chưa được tháo gỡ như số lượng thành viên, cơ cấu tổ chức, thiếu minh bạch trong thông tin, độ tin cậy chưa cao, đặc biệt tài sản của hợp tác xã còn nhiều vấn đề cần bàn.

Trong các nội dung liên quan đến Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặc biệt quan tâm việc cần làm rõ quy định về nguồn vốn hình thành, cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ là tổ chức nào. Vai trò, chức năng hoạt động ra sao để tránh chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của tổ chức ngân hàng, quỹ tín dụng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Quy định quỹ được huy động vốn và cho vay trong các thành viên. Có bị chế tài theo quy định của ngân hàng hay không, có hiệu quả là tốt, nhưng không hiệu quả, thua lỗ, mất khả năng thanh toán, cho người góp vốn thì tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm? Ngành ngân hàng có Ngân hàng Nhà nước can thiệp hỗ trợ, còn quỹ hợp tác xã sẽ ra sao sau khi xảy ra sự cố nhằm bảo vệ thành viên góp vốn, điều này cần cân nhắc”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Tương tự, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng, hoạt động tín dụng nội bộ của tổ chức kinh tế hợp tác cho phép hoạt động nhưng cũng cần làm rõ có bị áp dụng như Luật các tổ chức tín dụng hay không. Thực tiễn hoạt động của loại hình này rất bất cập là được huy động vốn và cho vay, không những trong thành viên mà cả ngoài thành viên nhưng không chịu sự quản lý của ngân hàng, nếu có rủi ro xảy ra, tổ chức nào chịu trách nhiệm. Mặt khác, loại hình này có pháp nhân hay không, nếu không rõ ràng sẽ rất phức tạp trong quản lý điều hành, quyết toán, thuế, lãi suất huy động cũng như cho vay… luật tổ chức tín dụng “nghiêm cấm cá nhân tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng”.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, về trích lập quỹ chung không chia là cần thiết để tích lũy, đầu tư, phát triển, phòng ngừa sự cố rủi ro, tuy nhiên quy định còn chung chung, chưa cụ thể về cách thức quản lý và sử dụng quỹ, chống thất thoát, lãng phí, phát huy hiệu quả tài chính, tạo yên tâm cho thành viên hợp tác xã.

Khi thành lập, ra mắt thì rầm rộ, nhưng hoạt động lại èo uột

Cùng thảo luận về Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng, hạn chế rất lớn của kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay là quy mô của hợp tác xã nói chung còn hạn chế, đóng góp rất khiêm tốn vào GDP. Trong giai đoạn 2013 – 2020, khu vực này chỉ đóng góp chưa đến 3,9%/năm.

Dẫn thực tế tại địa phương, bà Hiền cho biết, hợp tác xã vẫn rất khó khăn trong hoạt động, khó thu hút thành viên. Cùng với đó, các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng. Để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, cạnh tranh với khu vực doanh nghiệp không hề đơn giản. Điều này dẫn đến thực trạng ở một số địa phương, việc phát triển hợp tác xã còn mang tính phong trào, hình thức. “Khi thành lập, ra mắt thì khá rầm rộ nhưng sau một thời gian xuống kiểm tra thì hoạt động khá èo uột”, bà Trần Thị Hiền nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam).

Trong bối cảnh đó, bà Hiền kỳ vọng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần khắc phục được điều này, có những quy định cụ thể để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, tăng đóng góp vào GDP.

Đây là điều mà cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ hơn. Phải bảo đảm cho hợp tác xã phát triển mang tính thực chất, hấp dẫn thành viên hơn, gỡ các vướng mắc về vốn, tín dụng; đồng thời phải bớt được tính hình thức”, bà Hiền lưu ý.

Điều khiến bà Hiền cảm thấy đáng tiếc là dự án Luật sửa đổi nhiều vấn đề về quyền, thủ tục, nhưng “những chính sách hỗ trợ để hợp tác xã bứt phá còn mờ nhạt, chung chung”.

Phân tích rõ hơn, bà Hiền cho rằng, tên của hợp tác xã có tư cách pháp nhân được chi tiết tại 5 điều (từ Điều 30 đến Điều 34). Trong khi đó, Khoản 2, Điều 109 về Tiêu chí thực hiện chính sách, quy định: Ưu tiên cho tổ chức kinh tế hợp tác có nhiều thành viên là người khuyết tật hơn; có nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số hơn; có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ; hoạt động thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của nhà nước… Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định các chính sách ưu đãi đối với những tổ chức kinh tế hợp tác theo tiêu chí này, cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết, như vậy sẽ khó thực hiện.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế hợp tác, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 5 thành viên chính thức tự nguyện thành lập”, tức giảm 2 thành viên so với quy định hiện hành.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền, một trong những vấn đề ảnh hưởng đến năng lực sản xuất kinh doanh và cạnh tranh của hợp tác xã là dựa vào lợi thế quy mô thành viên. Bên cạnh đó, theo quy định của các quốc gia trên thế giới, hợp tác xã được thành lập đều từ ít nhất 07 thành viên trở lên.

Việc giảm từ 07 thành viên theo Luật hiện hành xuống 05 thành viên là không phù hợp với xu hướng mở rộng thành viên tham gia hợp tác xã như dự thảo luật, phát huy dân chủ thông qua quyền đại diện thành viên. Vì vậy, nên giữ như quy định của Luật hiện hành”, bà Hiền lưu ý.

Dự thảo Luật cũng quy định về kiểm toán tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Theo bà Hiền, đây là hoạt động cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, công khai, thúc đẩy các tổ chức này phát triển. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính khả thi của quy định, xác định rõ cơ quan tiến hành kiểm toán, quy trình kiểm toán, cách thức kiểm toán… để tránh việc gây khó khăn, cản trở cho các tổ chức này trong quá trình hoạt động.

Trên thực tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong việc đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tư vấn, hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Song, theo ý kiến của đại biểu Trần Thị Hiền, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể hệ thống Liên minh Hợp tác xã các cấp, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước cho hoạt động của tổ chức đại diện. Vì vậy, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định về tổ chức này, đồng thời, làm rõ hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, cơ chế nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện hoạt động…

Nguyễn Trang (VOV.VN)

Tin mới