Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi dự đoán về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, trong bối cảnh ngân hàng liên tục hạ lãi suất tiền gửi, cùng việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, dòng tiền có động lực để dịch chuyển vào kênh đầu tư chứng khoán.
“Cộng với việc thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc phần lớn (ước đoán trên 90%) vào dòng tiền cá nhân, tôi mạnh dạn dự đoán những tháng cuối năm 2023 sẽ xuất hiện những con sóng rõ ràng”, ông Minh nói.
Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc kinh doanh của VnDirect cũng đồng ý kiến: “Dự báo chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ đến cuối năm tăng là có cơ sở, phản ánh hiệu quả của các chính sách hồi phục kinh tế được Chính phủ ban hành trong thời gian qua. Điều này tạo kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới”.
Phân tích một số chính sách có thể tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, ông Hà dẫn giải: Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã liên tiếp giảm mặt bằng lãi suất điều hành; các cơ quan thuế cũng giảm thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, thuế sử dụng đất; các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…Tất cả những điều này sẽ kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Trong đó, theo ông Hà, vấn đề lãi suất là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong giai đoạn cuối năm. Đối với thị trường chứng khoán, lãi suất giảm luôn là biến số tạo ra hiệu ứng tích cực, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều tín hiệu cho thấy sự phục hồi tích cực của chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ 29. (Ảnh minh họa: VNN)
Đưa ra nhận định về thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam cho biết, tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm đã được công bố. Điều này cho thấy cả hai mặt tích cực và tiêu cực, trong đó yêu tố tích cực là chủ đạo.
Ông Phục phân tích: Về mặt tích cực, tình hình xuất siêu, thặng dư thương mại tăng rất cao, lên đến 20,19 tỷ USD trong 8 tháng, một mức hiếm có trong lịch sử, riêng tháng 8 xuất siêu tới 4,96 tỷ USD.
Thứ hai, tổng mức vốn đầu tư công tăng tới 23,1%, cũng là mức tăng rất cao và đang tiếp tục tăng tốc, sang tháng 9 có xu hướng tăng rất mạnh.
Thứ ba, vốn đăng ký FDI tuy có giảm nhưng vốn giải ngân, thực hiện lại tăng cao và hiện nay có rất nhiều nước quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Về yếu tố tiêu cực, ông Phục chỉ ra một số mặt hàng thiết yếu tăng giá đột biến như giá xăng, giá lương thực, thực phẩm, giá gạo...đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 và có thể kéo dài hết tháng 9.
“Tuy nhiên, mức lạm phát tăng 2,96% so với cùng kỳ vẫn thấp hơn rất nhiều mức Quốc hội cho phép là 4,5%. Khả năng cao Việt Nam vẫn kiểm soát tốt lạm phát 3,5 - 4%. Đây là mức phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, ông Phục nhận định.
Một vấn đề nữa là tỷ giá của đồng Việt Nam tháng 8 đã giảm 1,8% cũng là áp lực rủi ro ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này cũng đặt ra một tình huống có thể có một đợt rút vốn ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá tiếp tục biến động mạnh.
“Tuy nhiên, hiện lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đang hạ nhiệt, cũng giảm bớt áp lực lên tỷ giá và khả năng cao Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiểm soát được tỷ giá một cách hợp lý, hiệu quả”, ông Phục tin tưởng.
Nói về sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán trong một vài phiên gần đây, ông Phục cho rằng, sau một thời gian tăng mạnh thì sự điều chỉnh này là cần thiết và bình thường.
“Đây là sự điều chỉnh nhằm thanh lọc của thị trường. Hiện định giá của thị trường còn rẻ và triển vọng kinh tế vĩ mô khá tích cực nên khả năng cao thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến tích cực trong tháng 9 cũng như cuối quý III và cả trong quý IV”, ông Phục nói.
Trong một công bố mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cũng cho biết, ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực.
Nhóm đầu tư công và các nhóm cổ phiếu hưởng lợi theo chu kỳ như ngành chứng khoán, ngành bán lẻ, ngành mang tính ổn định cao như công nghệ dược phẩm, đồ uống…vẫn là nhóm hút được dòng tiền trong thời gian tới. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc một số ngành nghề đã tạo đáy về lợi nhuận và có thể có xu hướng cải thiện trong tương lai.
"Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước dẫn tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; Thông tư 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu DN chưa niêm yết là những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân", bà Phương cho biết.
Đây là những yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường trong quý III và quý IV/2023.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định: “Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng. Trong đó, chú trọng tăng chất lượng hàng hóa cho thị trường nhằm nhanh chóng khôi phục niềm tin nhà đầu tư, bảo đảm nền tảng vững chắc để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn”.
Trước kỳ nghỉ lễ 2/9, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/8, chỉ số VN-Index tăng 10,89 điểm (0,9%) lên 1.224,05 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 1,79 điểm (0,72%) lên 249,75 điểm.