Tại Hội thảo "Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc" do Báo điện tử VTC News tổ chức sáng nay (21/1), các chuyên gia tài chính - ngân hàng đã trả lời nhiều câu hỏi về những Giải pháp phát triển ngân hàng số và cơ hội để bứt phá của ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Nguyễn Trí Hiếu và bà Đỗ Tuyết Trinh - Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng HDBank tham gia phiên thảo luận "Giải pháp phát triển ngân hàng số và cơ hội để bứt phá của ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0".
Trả lời câu hỏi "Ngân hàng số với ngân hàng điện tử khác nhau thế nào?", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngân hàng điện tử ở Việt Nam có khoảng 20 năm nay, bao gồm 3 cấu phần: Thứ nhất là các dữ liệu được lên trên máy tính, thứ hai là các dữ liệu được truyền tải qua internet, thứ ba là điện thoại di động.
Trong khi đó, ngân hàng kỹ thuật số bao gồm tất cả giao dịch, quản lý của ngân hàng như quản trị nhân lực, quản trị tài chính…trên nền tảng kỹ thuật số.
Ở Việt Nam, 5 năm gần đây, nhiều ngân hàng chuyển sang kỹ thuật số, các dữ liệu được lưu trữ, xử lý, từ đó đưa ra chính sách quản lý rủi ro cho từng ngân hàng.
"Ngân hàng điện tử là ngân hàng truyền thống, dùng computer truyền tải đến khách hàng. Nhưng ngân hàng số là ngân hàng sử dụng digital banking. Đối với ngân hàng, nói kĩ thuật số phải nói chuyển đổi toàn diện quản trị, quan hệ với khách hàng", ông Hiếu nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
Đồng tình quan điểm này, bà Đỗ Tuyết Trinh - Ngân hàng HDBank - cũng khẳng định công cuộc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là cho người dân vùng sâu vùng xa, đó là những khách hàng không có được sự tiếp cận tới các cơ sở của ngân hàng. Vì vậy, khi phát triển ngân hàng số, họ có thể giao dịch trên điện thoại với nhiều hình thức phong phú: gửi tiền tiết kiệm thanh toán điện nước, đặt thẻ điện thoại, thanh toán qua quy đổi code.
Bà Trinh cho biết thêm, ở HDBank, công cuộc chuyển đổi số được đặt lên hàng đầu, đây là mục tiêu quan trọng nhất. Trước đây có rất nhiều quy trình về thanh toán, tiết kiệm phải làm tay. Nhưng 1, 2 năm trở lại đây, ngân hàng đã đầu tư rất nhiều về công nghệ, khoa học công nghệ và con người.
Ngân hàng HDBank mới đây được Ngân hàng Nhà nước cho mở tài khoản thanh toán thông qua công nghệ định danh điện tử eKYC. Trong 4 tháng thực hiện thí điểm vừa qua, chúng tôi đã mở được 40.000 tài khoản. Ngoài ra chúng tôi cũng tiến hành hoạt động mở QR code.
Các khách mời đặt câu hỏi tại phiên thảo luận.
Bàn về ý kiến cho rằng chuyển đổi số là cuộc đua của những “gã nhà giàu”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: Mấu chốt của ngân hàng số là đầu tư công nghệ. Đầu tư cho công nghệ thường rất lớn và dài hạn. Đầu tư phải chuyên sâu, sử dụng các ứng dụng mới nhất nên thực chất vẫn là câu chuyện về cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, số tiền để bỏ ra đầu tư là rất lớn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận, hiện thực tế là các ngân hàng nhỏ không có tiền đầu tư về công nghệ sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi số. Do đó, chúng ta cần phải tạo ra các công ty công nghệ rất lớn để tạo ra các phần mềm cho các ngân hàng. Ông Hiếu thông tin thêm: Ở Việt Nam, phần mềm chủ yếu được mua từ Ấn Độ và Singapore với giá hàng triệu USD. Ở bên Mỹ, họ không mua một phần mềm nào cả mà họ thuê. Các công ty lớn ở bên Mỹ mà làm về ngân hàng thì họ cho các ngân hàng thuê các phần mềm này, các ngân hàng thương sẽ trả tiền thuê cho các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ lớn tại Mỹ họ sẽ cập nhật các phần mềm từng giờ, từng ngày. Trong khi các ngân hàng ở Việt Nam không thể cập nhật như vậy được.
Ông Hiếu đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc các ngân hàng thuê phần mềm từ các công ty lớn như thế? Khi thuê như vậy, các ngân hàng sẽ không phải đầu tư vào công nghệ".
Tuy nhiên, ông Hiếu đánh giá, thị trường cho thuê phần mềm ngân hàng cũng như bảo mật an toàn thông tin mạng hiện nay chưa thực sự phát triển và chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện vẫn là mua phần mềm hàng triệu USD và rất tốn kém.
Nói về thực trạng của phần lớn ngân hàng ở Việt Nam, bà Đỗ Tuyết Trinh chia sẻ: "Tôi đã có hơn 23 năm công tác trong ngành tài chính ngân hàng và từng làm việc ở 4 ngân hàng. Hiện tôi thấy các ngân hàng đang tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề này, core banking phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là T24, nhiều core banking khác thì không phổ biến. Việc đập đi xây lại là một bài toán khó cho các ông chủ doanh nghiệp vì rất tốn kém.
Vì vậy, nếu có thể thuê phần mềm từ các công ty công nghệ lớn như ông Nguyễn Trí Hiếu vừa đề cập thì quá tốt, vì ngân hàng được dùng công nghệ mới nhất, trong khi chi phí được tiết kiệm rất nhiều".
Khách mời Đỗ Thùy Dương, sinh viên năm 3 Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại (Hà Nội) đặt câu hỏi: "Quá trình chuyển đổi số là quá trình dài hạn, các ngân hàng ở Việt Nam như Vietcombank, HDBank, VietBank đang có quá trình chuyển đổi số thế nào?'
Trả lời câu hỏi này, bà Đỗ Tuyết Trinh cho biết: "Ở HDBank, chúng tôi đang chuyển đổi dần dần, chúng tôi chuyển đổi những dịch vụ ảnh hưởng khách hàng đầu tiên như mở tài khoản có eKYC, thanh toán có QR code. Chúng tôi cũng mở app gọi là super app, tích hợp cả ngân hàng vào trong 1 app đó.
Ngoài ra, do HDBank là nằm trong tập đoàn Sovico, sở hữu cả VietJet, bất động sản Phú Long... Do đó, khách hàng có thể dùng app để mua vé máy bay và nhiều dịch vụ khác. Các hoạt động chuyển đổi số của chúng tôi thông qua app và giúp khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
Chúng tôi cũng đầu tư về mặt công nghệ, thuê những chuyên gia công nghệ giỏi nhất, huấn luyện nhân viên tiếp xúc với khách hàng. Chúng tôi tuân thủ các quy định chặt chẽ để bảo mật, bảo đảm an toàn tối đa cho khách hàng.
Chúng tôi cũng truyền thông đến khách hàng để họ có thể sử dụng app mọi lúc mọi nơi, không cần đến ngân hàng.
Tương lai, hệ thống mạng lưới ngân hàng sẽ thu hẹp dần, mà sẽ thông qua kênh online và telesales. Hiện kênh mạng lưới chiếm 70%, sau này sẽ giảm chỉ còn 30%".
Tại phiên thảo luận, nhiều khách mời băn khoăn về thời gian cần thiết để quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thành công. Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Giả sử chúng ta có thang điểm từ 1 đến 10 (thang điểm 1 là mọi việc bằng tay hết, thang điểm 10 là khách hàng không cần đến ngân hàng, vào điểm giao dịch cũng không có người, chỉ có computer. Quy trình nội bộ cũng không có giấy tờ, dữ liệu được “ấn” vào phần mềm). Nếu theo thang điểm này, thì mặt bằng chung của các ngân hàng Việt Nam đang ở thang điểm 4. Tuy nhiên, có một số ngân hàng ở mức độ cao hơn như HDBank.
"Tôi thấy một số ngân hàng dùng chữ ký điện tử song quy trình nội bộ ngân hàng vẫn bằng tay, nhất là việc thẩm định tài sản. Với trình độ tiến về điểm 10 tuyệt đối, Việt Nam chúng ta vẫn còn chậm", ông Hiếu khẳng định. Ông Hiếu vui vẻ gọi đây là quá trình "nửa chừng xuân".
Hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc” do báo điện tử VTC News tổ chức, có sự phối hợp thực hiện của Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (VTC1).
Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ông Ngô Minh Hiển - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ông Trần Đức Thành - Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Các diễn giả tham gia hội thảo gồm: Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Đỗ Quý Vũ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông; Ông Nguyễn Đức Tuân - Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn Thông tin; Ông Ngô Quang Huy - Phó giám đốc trung tâm thông tin - Bộ Thông tin Truyền thông; Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục Trưởng Cục Tin học hóa; 2 chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu và Ngô Trí Long.
Được tổ chức trước thềm năm mới 2021 sẽ tập trung đề cập và bàn thảo những vấn đề cốt lõi của Ngân hàng số, phân tích và đánh giá các thách thức, cơ hội và đưa ra các giải pháp trong việc chuyển đổi sang Ngân hàng số - cuộc chiến sống còn của các ngân hàng trong thời đại công nghệ 4.0
Chuyển đổi số đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trên toàn thế giới. Công cuộc chuyển đổi số tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm của người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, việc chuyển đổi số sẽ giúp cho ngân hàng phát triển các sản phẩm dịch vụ điện tử như các công ty công nghệ tài chính. Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng sẽ làm giảm nhân sự, giảm bớt giấy tờ giao dịch… do đó, sẽ làm giảm chi phí xử lý trên hệ thống số.
Tại Việt Nam, theo Ngân hàng nhà nước, hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.
Hội thảo nhận được sự quan tâm, tài trợ của các tổ chức Ngân hàng, doanh nghiệp: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Công ty cổ phần Sao Thái Dương và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai (Richy)…