Chuyên gia quân sự người Mỹ Michael Bohnert từ tổ chức nghiên cứu RAND cho biết, F-16 của Ukraine sẽ chỉ có thể được sử dụng cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình của Nga.
F-16 sẽ không thể đối đầu trực tiếp với lực lượng Không quân Nga, vì quyền kiểm soát bầu trời không thuộc về lực lượng phòng không Kiev. Hiện tại, Nga đang triển khai nhiều loại chiến đấu cơ hàng đầu trong chiến dịch quân sự đặc biệt, đặc biệt là ở khu vực tiền tuyến.
Hệ thống phòng không cùng các thiết bị tác chiến điện tử hiện đại mang lại cho Nga khả năng kiểm soát trên không. Trong khi đó, do lãnh thổ Ukraine quá rộng lớn và sự hạn chế của lực lượng phòng không nước này, khiến họ không thể đủ sức kiểm soát bầu trời trước đối thủ.
Các máy bay chiến đấu Nga có tính cơ động cao và tầm nhìn xa nên rất phù hợp để hoạt động trong khu vực tiền tuyến. Những chiến đấu cơ Nga có thể tránh các hệ thống tên lửa của Ukraine bằng cách bay thấp và vẫn có thể giao chiến với các máy bay chiến đấu của Ukraine.
Chiến đấu cơ F-16. (Ảnh: EurAsian Times)
F-16 là không đủ
Bohnert còn nhấn mạnh thêm rằng, với sức mạnh phòng không của Nga, những chiếc F-16 khó có thể được sử dụng ngay cả chỉ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra dọc chiến tuyến. Vai trò chiến đấu mà F-16 có thể thực hiện là hỗ trợ hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa hành trình của Nga.
Những chỉ huy quân sự ở Lầu Năm Góc cho rằng F-16 có thể mang tên lửa Storm Shadow, giúp tăng khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của Nga. Tuy nhiên, phía Ukraine hầu như có rất ít tên lửa như vậy và máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ không mang lại bất kỳ lợi thế nào cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Bohnert viết, “F-16 hoàn toàn vô dụng nếu không chế áp được các hệ thống phòng không của Nga. Vì vậy, Ukraine sẽ cố gắng trang bị cho F-16 tên lửa chống radar AGM-88 để làm nhiệm vụ đó. Lực lượng vũ trang Ukraine không có khả năng làm bất cứ điều gì khác, vì ngay cả trong năm 2024 họ chỉ có thể nhận được khoảng 10-12 máy bay trong tổng số 60 chiếc F-16 mà các nước phương Tây cam kết viện trợ”.
Cũng theo vị chuyên gia này, Lực lượng vũ trang Ukraine cũng sẽ không thể phát huy đầy đủ khả năng của F-16 bởi cơ sở hạ tầng của nước này hiện không thể đáp ứng được.
Không quân Nga sử dụng các chiến thuật linh hoạt và hiệu quả tại khu vực Quân khu phía Bắc. Ban đầu, các máy bay chiến đấu của Nga hoạt động trong tầm ngắm của hệ thống phòng không Ukraine và chỉ sử dụng bom thông thường. Sau những lần rút kinh nghiệm, Không quân Nga đã chuyển sang sử dụng bom chính xác và máy bay đa năng để thực hiện nhiệm vụ không đối đất.
Ukraine hi vọng với sự hỗ trợ của F-16, sẽ khiến các máy bay chiến đấu của Nga chỉ hoạt động trong phạm vi bảo vệ từ các hệ thống phòng không của họ. Tuy nhiên, điều này sẽ không làm giảm cường độ các cuộc tấn công của Nga. Bởi Nga đang sở hữu nhiều hệ thống phòng không, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, đồng thời ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể tăng cường sản xuất nhiều loại tên lửa để đáp ứng nhu cầu chiến đấu.
Mặt khác, việc triển khai F-16 cũng sẽ mất nhiều thời gian. Chiếc máy bay này cần được trang bị lại, đào tạo phi hành đoàn, hệ thống liên lạc, hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống điện tử hàng không và đạn dược cần phải được nâng cấp.
Những yêu cầu này sẽ mất nhiều năm để phát triển và khó có thể được triển khai đầy đủ trong giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột. Và nếu không có cơ sở hạ tầng hỗ trợ, các máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine không thể hoạt động hiệu quả.
Trực thăng Ka-52. (Ảnh: Vikipedi)
F-16 sẽ không đủ sức đối đầu với Ka-52
Phía Mỹ hứa sẽ cung cấp cho chính quyền Kiev thêm một số tên lửa chống radar AGM-88 và bom lượn JDAM. Nhưng Lầu Năm Góc không cho biết cụ thể F-16 sẽ trang bị loại vũ khí nào.
Tên lửa không đối không tầm xa mạnh nhất của NATO hiện tại là AIM-120D của Mỹ và Meteor của Anh. Chỉ những tên lửa như vậy mới có thể vượt qua các hệ thống phòng không tầm xa của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Kiev sẽ không nhận được bất kỳ loại tên lửa nào trong số này. Và nếu không được trang bị những tên lửa trên, thì những chiếc F-16 cũng không vượt trội hơn những chiếc MiG-29 mà Ukraine đang có.
Nếu F-16 của Ukraine dự kiến tấn công các mục tiêu trên mặt đất, chúng cũng sẽ cần loại bom phù hợp. Lực lượng vũ trang Ukraine có thể nhận được bom dẫn đường có độ chính xác cao như loại GBU-39 SDB. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phỏng đoán bởi Lầu Năm Góc vẫn chưa hứa hẹn bất kỳ loại bom cụ thể nào cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Michael Bohnert khẳng định F-16 sẽ không giúp Ukraine giành chiến thắng. Hỗ trợ quan trọng nhất cho Ukraine vẫn là pháo binh, thiết bị y tế, phương tiện mặt đất và máy bay không người lái, chứ không phải máy bay chiến đấu.
Đồng thời, như ấn phẩm Frankfurter Rundschau của Đức viết, Nga đang tăng cường hiện diện trên không. Vũ khí đáng gờm nhất là máy bay trực thăng Ka-52, đang được sử dụng ngày càng nhiều ở khu vực Kherson, biên giới với Donbass và khu vực Kharkov do Ukraine kiểm soát. Frankfurter Rundschau cho biết lực lượng phòng không hùng mạnh của Nga đã triển khai ở đó. Do đó, kể cả Kiev có triển khai F-16 cũng sẽ không thể chống lại các cuộc tấn công hiệu quả của trực thăng Ka-52.