Đây là ý kiển của các đại biểu, chuyên gia kinh tế tại Hội thảo chuyên đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới” được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay 17/12 tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.
Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều; khai thác được tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.
Cùng với đó, bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được quan tâm đầu tư, tạo diện mạo mới cho đất nước, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, đô thị, thông tin và truyền thông…
Toàn cảnh hội thảo
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, như: liên kết vùng còn nhiều bất cập, việc đầu tư phát triển còn dàn trải theo các vùng, miền. Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển…
“Tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào đóng góp của các yếu tố vốn và lao động. Về không gian tăng trưởng bị chia cắt bởi tư duy phát triển cục bộ bởi địa giới hành chính, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đầy đủ, đồng bộ và hiện đại; liên kết vùng và nội vùng còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả. Các vùng động lực chưa phát huy được mức cao vai trò đi đầu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước. Về động lực tăng trưởng như chưa phát huy được ở mức cao các động lực tăng trưởng như là phát triển đô thị, chuyển đổi số ứng dụng khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Hồng Sơn chỉ rõ.
Hội thảo chuyên đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”
Các ý kiến đều cho rằng, trong năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp chưa có tiền lệ và khó lường, tăng trưởng đang bị chậm lại và có nguy cơ suy thoái… sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, triển khai về không gian phát triển, tăng trưởng kinh tế cần dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất, bền vững. Cùng với đó, hình thành, kiến tạo được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tạo thị trường và động lực cho tăng trưởng trong năm 2023.
“Trong năm 2023 được dự báo là sẽ rất khó khăn và điều này sẽ làm cho quy mô thị trường bị thu hẹp và cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa Việt Nam với những đối thủ cạnh tranh khác ở thị trường này. Trong bối cảnh như vậy, việc tận dụng những hiệp định thương mại tự do để có được lợi thế cạnh tranh về giá rất là quan trọng. Đối với các doanh nghiệp cần phải có những biện pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn hiệu quả hơn các ưu đãi thuế quan và các cam kết khác từ các Hiệp định thương mại tự do để có được tăng trưởng tốt trong năm 2023 dự kiến rất khó khăn”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định.