Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia kiến nghị sửa Luật Giáo dục đại học

(VTC News) -

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học.

Trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, Luật Giáo dục đại học hiện hành có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh và đang còn chịu cản trở của nhiều luật khác. Mặt khác còn tồn tại những xung đột trong luật và nhiều vấn đề mới xuất hiện. 

Ngày 28/1, Bộ GD&ĐT gửi công văn tới các cơ sở, trường đại học yêu cầu rà soát những vướng mắc khi triển khai các quy định liên quan đến Luật Giáo dục đại học. Do đó, sau khi đánh giá và rà soát, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung luật.

Kiến nghị sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Về quan điểm định hướng sửa đổi Luật Giáo dục đại học, theo Hiệp hội, một luật hoàn chỉnh tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:

Một là, phải định hướng cho sự hình thành hệ thống giáo dục đại học phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, khai sáng, hiện đại, mang tính đại chúng. Luật phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế. 

Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.

Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Bốn là, triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục đại học.

"Luật Giáo dục đại học hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/4 yêu cầu trên, nếu có thì thể hiện rất mờ nhạt. Do đó, khi rà soát những bất cập và sửa đổi cần lưu ý đến tinh thần đổi mới toàn diện giáo dục trong luật", Hiệp hội nhấn mạnh.

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi một số nội dung chi tiết: Thứ nhất, về kết cấu của luật. Hiệp hội đề nghị bổ sung và bố cục lại một số nội dung: chương về Hệ thống giáo dục đại học (chương 2) và chương về Quan hệ xã hội (chương gần cuối).

Chương 2 cần chứa đựng các nội dung như: cơ cấu hệ thống giáo dục đại học, các chuẩn mực giáo dục đại học quốc gia, các loại hình đào tạo, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở giáo dục đại học, mạng lưới các hội và hiệp hội về giáo dục đại học... (tham khảo Luật Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga, Luật giáo dục đại học Indonesia,...).

Chương gần cuối cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, trong đó giới tuyển dụng đối với giáo dục đại học, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học... Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật Giáo dục đại học.

Thứ 2, các trường, cơ quan chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học. Khi có xung đột, các nhà chức trách thường áp dụng định chế cơ quan chủ quản để phán xử. Hay khi xây dựng các văn bản dưới luật vẫn coi cơ sở giáo dục đại học công lập như các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Việc các 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ theo quyết định của Thủ tướng đang có những nội dung bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo.

Thứ 3, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học đang xuất hiện những bất cập khi Hội đồng trường thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình được Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định. Đặc biệt là những hoạt động liên quan đến đầu tư, đến quản lý sử dụng tài sản công và tổ chức nhân sự. Vướng mắc nhất là không ít việc Hội đồng trường tự quyết định là đủ nhưng vẫn phải trình cơ quan chủ quản quyết định.

Ví dụ, Điều 67 Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định: “cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển”. Tuy nhiên, khi các trường thực hiện tự chủ, vẫn phải trình cơ quan quản lý trực tiếp quyết định chứ không phải là hội đồng trường.

"Sự không đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với các luật khác đang là rào cản trong quá trình thực hiện chủ trương tự chủ đại học", Hiệp hội nêu.

Hà Cường

Tin mới