Sáng 8/10, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 7h sáng nay, tâm bão số 7 ở ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Trong vòng 6-7 giờ vừa qua, cơn bão này di chuyển khá chậm.
Ông Lâm cho biết, trong 24 giờ đầu, bão chủ yếu di chuyển lên phía Bắc, với tốc độ khoảng 10 km/h và còn tiếp tục mạnh thêm. Tuy nhiên, khi bão di chuyển tới đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão sẽ suy yếu một chút. Khi bão vào vùng biển Vịnh Bắc Bộ thì cường độ sẽ mạnh trở lại.
Thời điểm bão vào Vịnh Bắc Bộ khả năng cao sẽ lấn mạnh về phía Tây. Bắt đầu từ đêm 9/10, một bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới miền Bắc và được tăng cường mạnh hơn vào các ngày 10-11/10.
"Khi bão vào Vịnh Bắc Bộ sẽ chịu tác động bởi các yếu tố trên đã ảnh hưởng và làm cho diễn biến cường độ, quỹ đạo, mưa, gió của cơn bão này còn phức tạp", ông Lâm cho biết.
Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai ứng phó bão số 7 sáng 8/10.
Theo ông Lâm, khả năng cao nhất hiện nay là bão số 7 sẽ gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 9 đến 12/10, ở Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Cụ thể, từ 9-11/10, phía Đông Bắc Bộ sẽ có mưa to, với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm; còn phía Tây Bắc Bộ lượng mưa sẽ thấp hơn, khoảng 50-150 mm, có nơi trên 150mm (Hòa Bình, Yên Bái).
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, sẽ xuất hiện mưa lớn từ ngày 10-12/10, lượng mưa phổ biến từ 150-350 mm, có nơi trên 350mm...
"Nguy cơ lớn nhất trong hôm nay là lũ trên các sông ở Quảng Trị và Quảng Nam. Lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã lên đỉnh và xuống trong ngày hôm nay. Trong sáng đến trưa nay, lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam) khả năng đạt đỉnh 8,6m, dưới báo động 3 0,4m, đến chiều tối thì lũ sẽ xuống dần. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi các tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam", ông Lâm cho hay.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của bão phải khẩn trương kiểm đếm, thông tin và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố căn cứ vào hình thực tế để cấm biển cho phù hợp.
Các địa phương cần có kế hoạch sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi bão vào và có phương án bảo vệ tài sản cho người dân.
Cùng với đó, các địa phương theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.