Phép tính được lan truyền trên mạng xã hội như sau: "Nếu hôm nay bạn cộng tuổi với năm sinh của mình, tổng sẽ là 2022. Ai cũng thế".
Nhiều người chia sẻ lại phép tính trên và tỏ ra ngạc nhiên: "Thật kì lạ! Tại sao lại như vậy nhỉ?"; "Mình đã thử và đúng thật, không thể giải thích được!"...
Phép tính được nhiều cư dân mạng chia sẻ rộng rãi.
Ông Trần Mạnh Tùng, Hiệu trưởng hệ thống phổ thông, trường liên cấp Deway Tây Hà Nội, cho biết, đây không phải lần đầu tiên phép tính này gây xôn xao. Những lần trước đây, mạng xã hội từng nhiều lần chia sẻ phép tính này với tính chất câu view, giải trí. Đây là phép tính mẹo, tuy nhiên, dân mạng lại gài thêm vế "chỉ xảy ra một lần sau 1.000 năm" khiến nhiều người lập tức chia sẻ lại, tăng tương tác cho bài viết.
Ông khẳng định, phép tính trên, áp dụng trong năm nào cũng đúng cả. Giải thích dưới góc độ Toán học, ông Tùng cho biết: "Ta gọi năm sinh là a, năm đang nói đến là b. Số tuổi là: b - a. Lấy năm sinh cộng với số tuổi ta được: a + (b - a) = b. Như vậy, ứng với năm nào thì câu nói cũng đúng".
Tương tự, cô Trần Thị Diệp, trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng, phép tính không phải hiện tượng kỳ lạ. Đây là phép tính ngược của bài toán tính số tuổi mỗi người - dạy trong sách giáo khoa lớp 2.
Chúng ta lấy năm hiện hành làm mốc trừ đi số tuổi sẽ ra năm sinh. Và ngược lại, chỉ cần lấy năm sinh cộng với số tuổi thực có sẽ cho đáp án là năm hiện đang sống. Cụ thể, nếu năm 2022 bạn Nguyễn Văn A tròn 10 tuổi, hỏi bạn A sinh năm bao nhiêu? Đáp số: 2022 - 10 = 2010 và ngược lại bài toán.