Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia giải thích cách tính năm nhuận chính xác

Cách tính năm nhuận âm lịch theo quy luật 19 năm hay tính năm nhuận dương lịch theo quy tắc cứ 4 năm một lần đều hoàn toàn không chính xác.

Theo ThS. Trần Tiến Bình - nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu Lịch (Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): "Cách tính năm nhuận âm lịch theo quy luật 19 năm hay tính năm nhuận dương lịch theo quy tắc cứ 4 năm một lần đều hoàn toàn không chính xác".



Về việc năm 2014 có nhuận tháng 9 hay không, phóng viên đã phỏng vấn chuyên gia nghiên cứu lịch Trần Tiến Bình - người từng công tác tại Viện Hàn Lâm KH&CN VN.



Thạc sĩ Trần Tiến Bình có kinh nghiệm công tác lâu năm tại Ban Lịch Nhà nước, sau này là Phòng Nghiên cứu Lịch (Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ông Trần Tiến Bình cũng là người trực tiếp biên soạn lịch phát hành rộng rãi trong cả nước.



Trao đổi với phóng viên, ThS. Trần Tiến Bình cho biết, tính lịch phải dùng tới các mô hình thiên văn tiên tiến nhập hàng đống dữ liệu để lập trình tính chứ không thể tính nhẩm được.



 
Thưa ông, hiện tại có khá nhiều những ngộ nhận về việc tính lịch năm nhuận. Ông có thể cho biết một số những sai lầm phổ biến về cách tính lịch?



Còn một vài điều theo tôi là những lỗi rất phổ thông.



Thứ nhất cần phân biệt giữa nhuận trong âm lịch và dương lịch. Năm nhuận của dương lịch chỉ thêm 1 ngày, tức tháng 2 có 29 ngày chứ không có tháng nhuận như âm lịch.



Thứ hai, về dương lịch không phải cứ 4 năm (chia hết cho 4) có một năm nhuận, thí dụ năm 1900 hay 2100 không phải là năm nhuận mặc dù các năm này chia hết cho 4.



Thứ ba, ai đó nói cứ 3 năm âm lịch có 1 năm nhuận cũng không chính xác, thí dụ các năm 2004, 2006, 2012, 2014 đều là các năm nhuận nhưng chỉ cách nhau 2 năm.



Thứ tư, quan niệm cho rằng âm lịch của chúng ta thuần tuý tuân theo tuần Trăng cũng không đúng, như tôi sẽ giải thích ở phần sau, âm lịch mà chúng ta đang sử dụng phải gọi chính xác là lịch âm dương, vì nó vừa tuân theo chuyển động của Mặt Trăng, vừa theo chuyển động của Mặt Trời.



Vậy, cách tính năm nhuận dương lịch chính xác nhất là như thế nào, thưa ông?



Những năm có số chia hết cho 4 được gọi là năm nhuận dương lịch chỉ đúng một phần. Riêng đối với những năm có tận cùng 2 số 0 phải chia hết cho 400 mới là năm nhuận như năm 2000! Như vậy độ dài trung bình của năm dương lịch hiện nay (còn gọi là Tân lịch hay lịch Gregorius) là 365.2425 chứ không phải 365.25 (365 1/4), độ dài 365 1/4 là độ dài của Cựu lịch (lịch Julius) đã thôi không sử dụng trên thế giới từ năm 1582 khi Giáo hoàng Gregorius XIII ban hành sắc lệch cải cách lịch.



Còn đối với cách tính năm nhuận âm lịch thì ra sao, thưa ông?



Ngày mồng một âm là ngày mà Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời theo thứ tự nằm thẳng hàng, Mặt trăng quay nửa tối về phía Trái đất (nên người ta thường nói tối như đêm 30), thời điểm này gọi là thời điểm không trăng, hay thời điểm Sóc.



Để có lịch không những tuân theo tuần trăng mà còn phù hợp với thời tiết khí hậu người xưa đưa vào lịch cả các yếu tố liên quan đến vị trí của Trái đất trên quỹ đạo quanh Mặt trời

.

T

heo ThS. Trần Tiến Bình: "Để có lịch không những tuân theo tuần trăng mà còn phù hợp với thời tiết khí hậu người xưa đưa vào lịch cả các yếu tố liên quan đến vị trí của Trái đất trên quỹ đạo quanh Mặt trời".



Người tính lịch sẽ tính liên tiếp các thời điểm thẳng hàng hay thời điểm Sóc. Nếu hai thời điểm Sóc kế tiếp (sau khi làm tròn đến ngày, không tính giờ) cách nhau 29 ngày thì tháng đó thiếu, còn cách nhau 30 ngày thì là tháng đủ.



Như vậy, ta có lịch theo tuần trăng, ta còn gọi là lịch âm lịch, giống như lịch Hồi giáo. Và lịch này sẽ bị lệch một cách hệ thống so với năm thời tiết vì 12 tháng âm tổng cộng chỉ có trung bình xấp xỉ 354.36 ngày, hụt mất gần 11 ngày so với dương lịch.



Để có lịch không những tuân theo tuần trăng mà còn phù hợp với thời tiết khí hậu, người xưa đưa vào lịch cả các yếu tố liên quan đến vị trí của Trái đất trên quỹ đạo quanh Mặt trời ( hay vị trí của Mặt trời di chuyển trên Hoàng đạo nếu nhìn từ Trái đất).



Và do vậy lịch chúng ta đang dùng gọi chính xác là lịch âm dương. Như vậy, vấn đề là để đưa lịch âm cho phù hợp với chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời (tức lịch dương) thì ta phải chèn tháng nhuận để cho phù hợp. Vậy chèn như thế nào, không phải theo chu kỳ 19 năm.



Muốn tính tháng nào có nhuận, người ta phải dựa vào tính giữa ngày Đông Chí (khoảng 21 tháng 12 dương lịch) năm này và năm sau có bao nhiêu điểm sóc. Nếu có 12 điểm sóc thì tháng đủ. Nếu có 13 điểm sóc thì cần phải chèn tháng nhuận vào. Như vậy, ta xác định được năm nào có nhuận.



Để biết tháng nhuận là tháng mấy thì phải tính thêm các trung khí để biết có tháng nhuận trong năm hay không. Trong năm nhuận tháng không có Trung khí là tháng nhuận, tháng này đánh số trùng với tháng trước nó (thêm chữ nhuận). Nếu trong năm nhuận có hai tháng không có Trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông chí được coi là tháng nhuận.



Việc tính chính xác lịch có ý nghĩa như thế nào, trong quá khứ, có thời điểm nào lịch Việt Nam bị sai lệch hay không, thưa ông?



Khi bắt tay vào tính lịch năm 2000 chúng tôi đã thấy là lịch Việt Nam năm 1997 bị sai một chỗ vì ngày mồng 1 âm lịch rơi vào 23 giờ 56 phút ngày 29 tháng 12 chứ không phải phải là ngày 30 tháng 12 như công bố, nhưng vì là quá khứ nên chúng ta không xét lại.



Và ngay cả lịch Trung Quốc do Đài thiên văn Tử Kim Sơn công bố cũng có điểm sai lệch so với dữ liệu của Đài thiên văn Naval (Hoa Kỳ), điều này chúng tôi kiểm chứng qua trao đổi với Gs. E. M. Reingold (Hoa Kỳ) một chuyên gia hàng đầu thế giới về lịch pháp...!



 

1. Ngày mồng 1 âm lịch, lúc Trái đất, Mặt Trăng, Mặt trời nằm thẳng hàng (điểm Sóc) có phải là Nhật thực không?



Thời điểm xảy ra Nhật thực luôn luôn rơi vào ngày mồng 1 âm (ngày Sóc) nhưng ngày Sóc chưa chắc đã có Nhật thực.

Trong một tháng âm lịch luôn có ngày Sóc và ngày Trăng tròn nhưng không phải lúc nào cũng xẩy ra Nhật thực hay Nguyệt thực vì mặt phẳng chuyển động của Mặt trăng (gọi là Bạch đạo) nghiêng hơn 5 độ so với mặt phẳng chuyển động của Trái đất (Hoàng đạo).

Nhật thực hay Nguyệt thực chỉ xẩy ra khi các vị trí Sóc và Trăng tròn nằm cạnh một trong hai điểm giao nhau giữa Bạch đạo và Hoàng đạo, gọi là Tiết điểm.



2. Thời đại thông tin hiện nay liệu có thể đưa ra vài công thức đơn giản để bạn đọc tự lập trình tính lịch?



Hoàn toàn có thể nhưng các thuật toán và bảng số liệu sẽ chiếm nhiều trang giấy, chưa kể có bài toán độc giả phải tự giải và tìm ra thuật toán vì không có sẵn, tôi giới thiệu các bước tính và tài liệu tham khảo trong sách ở dưới.

Có những thuật toán ngắn hơn nhưng lại không chính xác, chẳng hạn thời điểm Sóc chỉ cho phép chính xác đến ngày chứ không đến phút!



3. Thời điểm trước đó các cụ ta tính lịch như thế nào?



Người xưa đã phát triển các mô hình tính toán bằng các phương trình bậc thấp rồi cao dần kết hợp với đo đạc, quan trắc thiên văn như quan Thái Sử Cục Đặng Lộ (đời Trần) đã chế ra Lung linh nghi để khảo sát thiên tượng.

Cố Gs. Hoàng Xuân Hãn trong cuốn "Lịch và lịch Việt Nam", (đây là một trong các công trình được xét tặng Giải thưởng HCM) cũng đã phải lập trình để phục tính lịch thời Lê, phép lịch có tên là Đại Thống, trong quá trình phát triển đã có hàng chục phép lịch như vậy với độ chính xác tăng dần theo thời gian.



Khi in cuốn sách vào năm 1982 Gs. Hoàng Xuân Hãn cũng chỉ đề nghị các nhà làm lịch sau này dựa vào 4 điểm Khí được phương Tây công bố rồi ước lượng trung bình các Khí khác chứ không ngờ rằng sau đấy với sự phát triển của khoa học bây giờ chúng ta có thể tính chính xác 24 Khí.




» Vì sao người ta sợ tháng 'cô hồn'?
» Bản sắc Việt Nam, từ lịch sử đến thương hiệu Tết Việt
» Các kiểu đón Tết âm lịch khác nhau trên thế giới


Hồng Hạnh/GĐOL

Nguồn:

Tin mới