Mới đây, Chính phủ có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật nhà ở (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý là Chính phủ đưa ra đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Đề xuất này được rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ, bởi lẽ, nếu sở hữu chung cư có thời hạn, giá thành sẽ rẻ hơn, lại thuận tiện trong sửa chữa hoặc xây mới khi hết thời hạn.
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - phân tích, chung cư cần thiết sở hữu có thời hạn, bởi việc xử lý các chung cư khi hết niên hạn sử dụng là vấn đề cực kỳ khó. Nếu sở hữu chung cư có thời hạn, lợi ích đầu tiên là việc cải tạo chung cư sẽ được giải quyết rất đơn giản vì hết hạn, người dân sẽ chuyển đi nơi khác.
Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn vừa được Chính phủ đề xuất. (Ảnh minh họa: Zing News)
Hơn nữa, khi có thời hạn, chủ đầu tư sẽ bán chung cư theo giá trị xây dựng, giá chung cư rất rẻ. Bên cạnh đó, nhà chung cư sẽ đúng nghĩa là được xây chỉ để cho thuê, nếu ai muốn sở hữu vĩnh viễn thì mua nhà đất.
“Tuy nhiên, khi thông qua Luật Nhà ở 2014, nhiều người phản đối quy định chung cư có thời hạn, nên vấn đề giải quyết như thế nào khi chung cư hết hạn sẽ rất nan giải”, ông Võ thừa nhận.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tất cả các tài sản đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy.
Do đó, khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá nhà đó còn tiếp tục ở được hay không. Nếu cần phải sửa chữa, xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chỗ đó. Còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân.
Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH CBRE Việt Nam cũng cho rằng, có tới hơn 70 quốc gia trong 220 quốc gia trên thế giới quy định căn hộ để bán có thời hạn, không có loại hình nào sở hữu vĩnh viễn.
Đơn cử như Philippines, tất cả các dự án chỉ được sở hữu 50 năm. Ở Trung Quốc, đối với căn hộ bán để ở chỉ được sở hữu tối đa 70 năm. Tại Mỹ, khoảng 85% bất động sản được bán dưới hình thức có thời hạn. Thời gian sử dụng tối đa có thể lên tới 99 năm...
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết, trong dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án sở hữu nhà chung cư. Phương án thứ nhất sở hữu theo thời hạn công trình được phê duyệt, phương án thứ hai sở hữu theo thời gian sử dụng đất dự án.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nghiêng về đề xuất áp dụng phương án thứ nhất vì hợp với xu hướng quản lý sử dụng nhà chung cư tại nhiều nước.
"Theo quy định của Luật xây dựng, hồ sơ thiết kế phải xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư tính từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng đến hết vòng đời công trình. Và khi thẩm định hồ sơ thiết kế, cơ quan thẩm định phải xác định luôn thời hạn sử dụng nhà chung cư là bao nhiêu năm.
Đây là cơ sở để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hợp đồng mua bán nhà, cơ quan cấp "sổ đỏ" cũng sẽ ghi thời hạn sử dụng nhà chung cư vào sổ luôn", ông Khởi cho biết.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, khi áp dụng quy định mới về thời hạn sử dụng nhà chung cư sẽ không hồi tố với chung cư đưa vào sử dụng trước thời điểm luật có hiệu lực. Quy định về sở hữu nhà ở chung cư có thời hạn dự kiến sẽ được áp dụng với những dự án cấp phép xây dựng sau 1/7/2024 nếu Quốc hội thông qua luật vào tháng 10/2023. Các chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư có 7 tháng để chuẩn bị thực hiện quy định này.