Tuyển Việt Nam chưa thể có điểm số đầu tiên tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Chơi rất nỗ lực và có bàn mở tỷ số trước Oman, nhưng các học trò của HLV Park Hang Seo thua chung cuộc 1-3, với 2 lần bị thổi phạt đền ở trận này từ những tình huống vung tay phạm lỗi khá "thô" của Hồ Tấn Tài và Đỗ Duy Mạnh.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, cựu HLV CLB Ninh Bình và có nhiều kinh nghiệm năm đào tạo trẻ, các tuyển thủ Việt Nam hay mắc lỗi sơ đẳng là do công tác đào tạo trẻ chưa hoàn chỉnh, đồng thời nhiễm thói quen xấu ở V-League. Những thất bại kiểu này là bài học không chỉ cho ĐTQG, mà còn là của cả nền bóng đá nhìn vào để thay đổi.
Video: Oman 3-1 Việt Nam
- Tuyển Việt Nam bị thổi 7 quả phạt đền tại vòng loại World Cup 2022. Các cầu thủ thường xuyên phạm lỗi kỹ thuật cơ bản dẫn đến các pha bóng nguy hiểm. Đây có phải hệ lụy của công tác đào tạo thiếu chỉn chu?
Bóng đá là môn thể thao đối kháng, đòi hỏi cầu thủ từ phán đoán đến đưa ra quyết định phải rất nhanh. Quyết định đưa ra thế nào là tùy theo tình huống cụ thể. Tuy nhiên, trong công tác đào tạo trẻ, nguyên tắc chủ chốt của mọi khía cạnh chuyên môn là phải dạy cho cầu thủ tinh thần thể thao cao thượng, lối chơi fair-play.
Đây là yếu tố quan trọng, nhưng nhiều nơi ở Việt Nam chưa làm căn bản. Bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn chạy theo bề nổi thành tích, nên đào tạo trẻ đôi khi bị cuốn theo cuộc chơi này. Có thời điểm, các giải trẻ có rất nhiều hiện tượng tiêu cực, gian lận.
Bóng đá là phải cao thượng. Cầu thủ ra sân phải chiến đấu hết sức mình, chiến thắng bằng năng lực của mình, nếu thua thì chấp nhận vì đối thủ hay hơn, chứ không thể chơi xấu, làm méo mó tinh thần thể thao.
HLV Park Hang Seo đã thay đổi bộ mặt tuyển Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng ông không thể quán xuyến hết chuyên môn. HLV của ĐTQG chỉ tối ưu hóa năng lực, còn bồi dưỡng cái gốc cho từng cầu thủ là trách nhiệm của HLV ở CLB và các trung tâm đào tạo trẻ.
Duy Mạnh (áo trắng) 2 lần khiến tuyển Việt Nam chịu phạt đền ở vòng loại ba.
Quy trình tuyển chọn, đào tạo hoàn chỉnh mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, còn nếu không, chúng ta chỉ có sản phẩm lỗi, HLV phải sửa lại rất mệt. Ngay từ vấn đề dinh dưỡng, HLV Park Hang Seo cũng phải uốn nắn lại cho cầu thủ, bởi nhiều người không được trang bị kỹ càng ở CLB. Gốc rễ phải là đào tạo và đội bóng chủ quản.
Gần đây, đào tạo trẻ ở Việt Nam có tiến bộ. Từ HAGL đến Viettel, PVF,... các trung tâm có cải thiện, nhưng còn nhiều hạn chế. Lực lượng HLV đào tạo trẻ đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. VFF cần thấy thiếu sót này để chuẩn hóa những người làm công tác chuyên môn.
Đơn cử, huấn luyện V-League thì cần chứng chỉ của FIFA, có thể là bằng A hoặc bằng Pro. Trong tiêu chí xây dựng CLB chuyên nghiệp, các đội phải có chương trình đào tạo chuẩn mực cả về chuyên môn, tinh thần, kỹ năng sống cho cầu thủ.
Cầu thủ cần rèn thói quen tốt ở các giải trẻ.
- Tuyển Việt Nam dường như chưa quen với sự hiện diện của VAR, nên vẫn giữ thói quen chơi tiểu xảo với hy vọng qua mắt trọng tài?
Bóng đá Việt Nam đang có thế hệ cầu thủ rất tài năng, nhưng cầu thủ hạn chế ở khả năng thích ứng, đơn cử như khi FIFA ứng dụng VAR. Công nghệ hỗ trợ trọng tài xuất hiện ở nhiều trận đấu trên thế giới, nhưng từ trước đến nay, nhiều nước Đông Nam Á chưa có điều kiện ứng dụng.
Cần hiểu bản chất của VAR là trợ lý trọng tài video - hình ảnh. VAR hoạt động rất chính xác để hỗ trợ trọng tài xử lý những tình huống nhạy cảm, khó quan sát, nhất là trong vòng 16m50.
Khi không có VAR, cầu thủ có thể dùng tiểu xảo để chiếm lợi thế trong tranh chấp bóng, nhưng có VAR rồi, cầu thủ phải được trang bị đầy đủ kiến thức.
Bóng đá Việt Nam bao lâu nay không có VAR vào cuộc, còn trọng tài nhiều lúc du di, thiếu nghiêm khắc, nên cầu thủ có thói quen xấu.
Tuyển Việt Nam phải quen dần với VAR.
Khi phá bóng, anh vung tay vào mặt người ta làm gì? Dù ức chế đến mấy, cầu thủ cũng cần kiểm soát được tâm lý, hành vi của mình. Hành động thiếu kiềm chế chỉ làm hại đội nhà. Khi VAR xuất hiện, hành động xấu xí này sẽ trả giá rất đắt.
- Cái đầu "nóng" của cầu thủ cho thấy vấn đề kinh nghiệm ở sân chơi lớn. 3 trận thua trước đó càng khiến cầu thủ mất tự tin?
Cầu thủ Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm, non bản lĩnh ở sân chơi quốc tế. Tuyển Việt Nam không bảo vệ được tỷ số trong hiệp 1 nên mất lợi thế tâm lý, đầu hiệp 2 lại thua phạt góc nên tâm lý tiếp tục đi xuống.
Đây là bài học kinh nghiệm cho cầu thủ và BHL. Nếu cầu thủ chơi hết mình mà thua trận, CĐV sẽ không trách cứ. Các đối thủ mạnh hơn, đã nghiên cứu chúng ta rất kỹ, nên tuyển Việt Nam không còn là ẩn số. Cứ chơi hết sức thôi, cố gắng khắc phục điểm yếu. Đừng để gánh nặng tâm lý đè nặng.
Tuyển Việt Nam cần cởi bỏ áp lực.
- Tuyển Việt Nam cần khắc phục thế nào?
ĐTQG đã được trang bị rất tốt, nhưng cần tốt hơn nữa. Về mặt chuyên môn, ban huấn luyện cần nghiên cứu đối thủ thật khoa học.
Ở trận gặp Oman, chúng ta thua 3 bàn từ tình huống cố định, trong đó kiểu đá phạt góc rất 'dị' kia Oman đã áp dụng ở trận gặp Nhật Bản, rồi dùng đi dùng lại trong hiệp 1 nhưng tuyển Việt Nam lại không có phương án điều chỉnh, dẫn đến thua đầu hiệp và mất tinh thần.
Vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ cần đặt lên hàng đầu, kéo sau là chăm sóc tâm lý, sức bền tinh thần. Thua vài trận như thế, cầu thủ dễ mất tự tin. Hãy nhớ bài học Thái Lan 4 năm trước, biết ra đá là thua nên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
VFF và HLV Park Hang Seo cần ngồi lại để xác định lại mục tiêu trong 6 trận tới. Chúng ta cần gì ở vòng loại này? Hướng tới mục đích gì? Từ đó cởi bỏ nút thắt về tâm lý, bỏ áp lực thành tích đi, rồi điều chỉnh lối chơi, con người.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!