Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: 'Cần tạo ra sản phẩm phát thanh xứng đáng để thính giả trả tiền'

(VTC News) -

Tìm nguồn thu trên nền tảng số, thay đổi thói quen nghe miễn phí của độc giả... là những vấn đề nóng nhất đặt ra dành cho phát thanh hiện nay.

Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đang đặt ra cho báo chí nói chung cũng như phát thanh nói riêng thời cơ để thực hiện cuộc chuyển mình. Phát thanh cần giữ được tinh túy, linh hồn, đó là sức mạnh của tiếng nói và âm thanh, nhưng cần thay đổi linh hoạt về hình thức, cách tương tác và truyền tải để tạo ra sản phẩm gần gũi với công chúng.

Quan trọng hơn, phát thanh cần tìm kiếm nguồn thu trên môi trường "màu mỡ" mang tên nền tảng số. Việc tìm nguồn thu chủ động là nhiệm vụ của phát thanh, nhằm tạo ra nguồn lực để đầu tư ra những sản phẩm chất lượng hơn, giúp phát thanh "sống khỏe" trong giai đoạn cạnh tranh với các nền tảng báo chí, truyền thông khác hiện nay.

Tuy nhiên, tìm nguồn thu cho phát thanh ra sao, hay làm thế nào để thay đổi thói quen nghe phát thanh miễn phí đã in sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ khán, thính giả không phải bài toán đơn giản. Đây là nội dung cốt lõi tại hội thảo quốc tế với nội dung "Phát triển nguồn thu cho các Đài Phát thanh Truyền hình (PT-TH) trong xu hướng chuyển đổi số". Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022, tổ chức tại TP.HCM từ ngày 2 - 6/8.

Các diễn giả nước ngoài tham dự hội thảo "Phát triển nguồn thu cho các Đài PT-TH trong xu hướng chuyển đổi số". 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Tim Rowell, đại diện Công ty Piano, Khu vực châu Á Thái Bình Dương khẳng định để khán, thính giả chấp nhận trả tiền cho các sản phẩm phát thanh, những người làm phát thanh trước tiên phải làm ra những sản phẩm với chất lượng đủ tốt, đáng để công chúng phải bỏ tiền để tiếp nhận.

"Người nghe Việt Nam có thói quen nghe miễn phí, cần có phương pháp nào để tăng được nguồn thu cho phát thanh. Làm sao chuyển họ từ thói quen nghe miễn phí sang thói quen nghe có trách nhiệm trả phí. Nếu sản phẩm của chúng ta làm ra đáng để khách hàng trả tiền thì họ cũng sẵn sàng trả tiền. Chúng ta cần xây dựng nó như những sản phẩm dịch vụ đáng để trả tiền", ông Rowell đánh giá. 

Có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông kỹ thuật số và đã có 10 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp truyền thông về các sáng kiến đăng ký và cách tạo nguồn thu, ông Tim Rowell khẳng định các cơ quan báo chí cần phân tích những nội dung nào được khán thính giả ưa chuộng. 

Nhóm nội dung nào các Đài đã thành công trong thu hút sự quan tâm của khán, thính giả và có được nguồn thu thì cần tích hợp nhiều nội dung khác nhau theo nhu cầu của nhóm đối tượng công chúng.

Ông Tim Rowell, đại diện Công ty Piano, Khu vực châu Á Thái Bình Dương chia sẻ tại hội thảo.

Một trong những chìa khóa để phát thanh tiến lên nền tảng số, đó là sử dụng Podcast. Là một chuyên gia sản xuất Podcast, bà Siobhan McHugh, Giáo sư thuộc Trường Đại học Sydney, Australia, chia sẻ rằng Podcast có những ưu thế riêng biệt mà người làm phát thanh có thể tận dụng.

"Quảng cáo khi được người dẫn đọc dẫn trong Podcast sẽ khiến người nghe cảm thấy tin tưởng hơn và có xu hướng lựa chọn sản phẩm. Do vậy, khi sản xuất Podcast cần khoanh vùng nhóm đối tượng để hướng quảng cáo tới người tiêu dùng", bà Siobhan McHugh nhấn mạnh.

Vậy Podcast có giống với Radio? Theo bà Siobhan McHugh, đó là “giống mà không giống”. Thực tế, Podcast không đặt nặng về cấu trúc nội dung và tiêu chuẩn audio, độ dài Podcast cũng linh hoạt, thính giả sẽ là người lựa chọn những gì họ muốn nghe và nghe bất cứ lúc nào.

Podcast mang đến cho công chúng quyền chủ động trong việc tiếp cận nội dung, thay vì chỉ lắng nghe thụ động các chương trình được sắp xếp theo tuyến tính thời gian như trước. 

Để tìm kiếm nguồn thu, phát thanh cần tận dụng mọi nền tảng số và đảm bảo mọi nội dung sản xuất phải xuất hiện để tiếp cận công chúng. Đó là quan điểm của diễn giả Vickneswaran Kajindran, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Tập đoàn Media Prima Malaysia, với hơn 16 năm kinh nghiệm trong quảng cáo truyền thông.

Hội thảo quốc tế "Phát triển nguồn thu cho các Đài PT-TH trong xu hướng chuyển đổi số" đã khép lại sau gần 3 giờ thảo luận tích cực.

"Khi đã có nội dung, chúng ta phải tận dụng mọi nền tảng số và đảm bảo nội dung sản xuất phải xuất hiện để tiếp cận công chúng. Chúng tôi phát triển các nền tảng bằng tiếng Anh và tiếng Malaysia. Khi thu hút được lượt xem, tất cả đều sẽ hiển thị trên các nền tảng và giúp chúng ta thu hút khách hàng đặt quảng cáo", ông Vickneswaran Kajindran nói.

Cũng theo ông Vickneswaran Kajindran, các Đài cần có con số thống kê để so sánh những thị trường khác nhau trên các nền tảng khác nhau, từ đó, xây dựng góc tiếp cận câu chuyện theo nhu cầu quan tâm, theo dõi của thính giả. Podcast là lựa chọn để người làm phát thanh có thể bán sản phẩm và tiếp cận trực tiếp với nhu cầu của công chúng. 

"Nội dung trên Podcast hoàn toàn khác nội dung trên phát thanh. Khi muốn mở rộng nội dung theo yêu cầu của khách hàng chúng tôi sẽ sử dụng Podcast. Chúng ta sẽ đóng gói để cho khách hàng có sự lựa chọn, cụ thể với Podcast sẽ có bao nhiêu lượt đăng trên các nền tảng xã hội.

Nội dung và độ dài của Podcast cũng sẽ linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng. Thời gian hiển thị nội dung cũng sẽ được thảo luận theo thoả thuận với khách hàng”, ông Vickneswaran Kajindran chia sẻ. 

Hồng Nam

Tin mới