Ngày nay, chuyện con rể bằng tuổi, hơn hoặc kém một vài tuổi so với bố mẹ vợ không còn lạ. Giờ ít ai nghĩ đến rào cản tuổi tác bởi tình yêu là không biên giới, không tính bằng tuổi. Dù vậy, nhiều chuyện bi hài xảy ra khi mà chàng rể nhiều tuổi hàng ngày phải đối diện với bố mẹ vợ còn trẻ.
Anh Q lấy vợ trẻ. Anh hơn vợ 20 tuổi. Ngày vợ anh dẫn về ra mắt bố mẹ để đặt vấn đề cưới xin, bố mẹ vợ không tin là chuyện thật, tưởng con gái nói đùa. Biết bố mẹ vợ kém tuổi mình nên anh Q lúng túng trong cách xưng hô. Phía nhà gái thì cũng ngượng ngùng không kém. Là người từng trải, có địa vị nhưng khi đối diện với sự việc này, anh vẫn không quen và không biết gọi bố mẹ vợ thế nào cho thoải mái.
Khi vợ chồng anh Q có con, bố mẹ vợ từ quê lên Hà Nội thăm cháu thường xuyên; hàng xóm mà nghe gia đình anh xưng hô chắc cũng phải bấm bụng cười. Hồi đầu thì anh lí nhí xưng con nhưng thấy mỗi lần như thế, bố mẹ vợ đều đỏ mặt nên anh suy nghĩ nát óc tìm từ thay thế. Từ đó đến nay anh và bố mẹ vợ gọi nhau là “đằng ấy” và xưng là “bản thân”.
(Ảnh minh họa)
Bất cứ ai lần đầu mà nghe cách xưng hô trong gia đình anh Q đều phải quay mặt đi để cười. Nhiều người bạn góp ý cứ xưng con nhưng anh Q bảo: “Mình cũng xưng thế nhưng mà bố mẹ vợ thấy ngại ngùng, khó hòa nhập nên mới nghĩ ra cách gọi chung chung như vậy. Nhiều khi nghĩ cũng buồn cười nhưng mà thôi, mỗi nhà một hoàn cảnh, giờ gọi cũng quen rồi. Lấy vợ trẻ nên chấp nhận. Gọi gì không quan trọng, miễn là mọi người trong gia đình thấy thoải mái, vui vẻ”.
Còn anh T đang công tác trong ngành báo chí lấy vợ kém 16 tuổi, còn anh kém bố mẹ vợ 4 tuổi. Anh kể: "Bố mẹ vợ mặc dù hơn 4 tuổi nhưng nhìn hình thức còn trẻ hơn anh. Bố mẹ vợ ít tuổi kể ra cũng nhiều chuyện hài hước”.
Chuyện xưng hô cũng buồn cười không kém. Anh thì không ngại gì cả, vẫn gọi bố mẹ xưng con. Còn bố mẹ vợ của anh lại ngại nên toàn nói trống không. Ví dụ như bảo con rể ăn đi thì họ chỉ nói "ăn cá không" hay "có nước hoa quả đó uống không?". Nhiều khi thấy mẹ vợ nói thế, anh cũng trả lời cho xong và quay đi cười tủm tỉm.
Ở quê, bố mẹ vợ anh thuộc diện trẻ trung, ăn chơi. Mẹ vợ tính ra mới hơn 40 nên ăn mặc cũng rất hiện đại, nhưng khi lên Hà Nội chăm cháu thì phải chọn những bộ quần áo mặc cho đúng tuổi phụ huynh. Nhiều lúc bà cũng phân trần vì sợ con rể chê lạc hậu: "Lên đây trông cháu mặc như này cho tiện”. Còn anh khi ở nhà không dám cởi trần mặc quần đùi, lúc nào cũng chỉn chu quần short và áo phông. Anh cười hài hước, nhiều khi mẹ vợ ở nhà mặc áo rộng cổ anh cũng ngượng. Khổ thế đấy, mẹ vợ hơn có vài tuổi mà nhìn bà lại còn trẻ hơn cả con rể, mà bà chăm tập thể dục, không dám ăn nhiều vì sợ béo nên người còn săn chắc hơn cả vợ anh.
Khi mẹ vợ ở cùng thì anh T cũng không dám dậy muộn mặc dù rất muốn ngủ nướng. Vợ anh thường đi làm sớm nên ở nhà chỉ còn mẹ vợ, mình nằm ngủ cũng vô duyên nên anh lại dậy đi ra ngoài đường.
Còn anh H có nhiều chuyện dở khóc dở cười khi mà mẹ vợ ít tuổi hơn con rể. Hồi mẹ vợ anh H lên ở với con gái mới sinh em bé, nhiều người không biết mặt vợ anh khi đến nhà toàn chào mẹ vợ là em, tưởng đó là vợ anh, khiến bà xấu hổ không dám xuất hiện khi nhà có khách. Rồi vấn đề ăn mặc, mẹ vợ anh cũng phải tìm những bộ đồ già hơn tuổi để mặc cho ra dáng bà ngoại. Khi về quê con rể thì mẹ vợ anh tỏ ra lúng túng. Do không cùng thế hệ nên hai bên thông gia cũng chỉ nói chuyện qua loa vì bố anh hơn rất nhiều tuổi. Không biết nói gì cho hòa hợp, họ đành lấy đứa cháu ra trêu đùa cho thời gian trôi qua.
Khi con rể hơn tuổi bố mẹ vợ hoặc ít hơn vài tuồi, ban đầu chuyện tình thường không được nhà gái chấp nhận. Bố mẹ nào chả muốn con gái có tấm chồng tử tế, tuổi tác hòa hợp để còn dễ sống, nhưng đó là sự lựa chọn của con cái nên không bố mẹ nào muốn làm khó. Ban đầu có nhiều chuyện dở khóc, dở cười nhưng khi về sống với nhau, bố mẹ vợ mới nhận ra, tuổi tác cũng không phải là vấn đề quá lớn, điều quan trọng là hai con yêu thương và thực sự tôn trọng nhau. Đặc biệt, điều bố mẹ vợ nhìn thấy rất rõ là con rể lớn tuổi thường chu đáo và rất lễ nghĩa, biết trên dưới với gia đình vợ. Họ, những bố mẹ vợ, đa phần đều rất hài lòng mặc dù đôi lúc còn nhiều cái bất tiện và rơi vào tình huống bi hài.