Một ngày trước khi 328 người Mỹ trên du thuyền Diamond Princess lên máy bay sơ tán về nước, Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo nói với hành khách rằng không ai nhiễm Covid-19 được phép lên các chuyến bay điều lệ.
Nhưng khi những người di tản lên 2 chiếc máy bay tới các căn cứ quân sự ở California hoặc Texas, một số khu vực trên máy bay bị tách biệt khỏi phần còn lại của khoang hành khách.
Trong khi chiếc máy bay đang trên bầu trời, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố 14 công dân Mỹ lên những chiếc phi cơ này dương tính với Covid-19.
"Tôi không biết về điều đó cho tới khi chúng tôi ở trên không. Tôi thấy một khu vực trải nhựa và dính băng keo", ông Carol Montgomery, 67 tuổi cho hay.
Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ biết về 14 trường hợp nhiễm bệnh khi họ lên xe buýt để ra sân bay tức là họ bắt đầu hành trình đưa các công dân về nước mà không thực sự biết kết quả xét nghiệm của các công dân nước mình. Những người nhiễm bệnh được xét nghiệm 2,3 ngày trước các chuyến bay sơ tán.
Các hành khách Mỹ di tản từ Diamond Princes về tới căn cứ không quân ở San Antonio, Texas. (Ảnh: Getty)
Do cuộc di tản bắt đầu trước khi Nhật Bản chuyển tiếp các kết quả đó, các quan chức Mỹ quyết định để các bệnh nhân, những người chưa xuất hiện triệu chứng lên máy bay và ngồi ở phía sau, cách các hành khách khách khác bằng những tấm nhựa cao hơn 3m.
14 hành khách Mỹ nhiễm bệnh nằm trong số 99 ca nhiễm Covid-19 mới được Nhật Bản xác nhận chiều 17/2, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh trên Diamond Princess lên tới 454 người.
Với việc các ca nhiễm bệnh tăng đều đặn qua mỗi lần xét nghiệm, các chuyên gia đặt nghi vấn về quá trình cách ly và kiểm dịch trên du thuyền hạng sang này.
"Việc kiểm dịch trên con tàu là một thất bại chưa từng có. Chúng ta nên rút ra bài học rằng việc cách ly trên tàu là không thể và chúng ta không nên lặp lại những điều này trong tương lai", Eiji Kusumi, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Navitas ở Tokyo cho hay.
Sau 2 tuần bị cách ly trên Diamond Princess, các công dân Mỹ được chính quyền khuyến khích rời con tàu, lên các chuyến xe buýt kéo dài 40 phút từ cảng Yokohama đến sân bay Haneda ở Tokyo và bắt đầu hành trình hồi hương.
Các quan chức Mỹ trước đó cũng kiểm tra sức khỏe cho các hành khách và chỉ chấp nhận khoảng 328 người không có biểu hiện bệnh lên máy bay
61 người vẫn ở lại trên tàu với nhiều trong số có các biểu hiện nghi nhiễm bệnh. Cũng có những người như luật sư Matthew Smith và vợ quyết tâm ở lại vì lo ngại những hành khách trở về cùng mình có thể đã mang theo mầm bệnh rời đi.
"Chúng tôi không cho rằng việc để chúng tôi ở cùng nhau trong điều kiện đó là an toàn. Thực tế là giờ tôi hay tin 14 người nhiễm bệnh, chúng tôi vui vì đã ở lại", ông Matthew nói, nhấn mạnh lựa chọn không sơ tán là quyết định đúng đắn nhất của mình từ trước tới nay.
Khi được hỏi lý do bắt đầu sơ tán hành khách mà không biết kết quả xét nghiệm của họ, Tiến sĩ William Walters, quan chức y tế Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng đó là điều không thể lường trước.
Các công dân Mỹ được đưa lên 15 xe buýt tới sân bay.
Tấm nhựa cao hơn 3m ngăn cách 2 khu vực "nhiễm-không nhiễm" Covid-19. (Ảnh: Reuters)
"Khi đã rõ một số trường hợp nhiễm bệnh, các hành khách này được di chuyển một cách nhanh chóng và an toàn nhất tới một hu vực chuyên dụng ở phía sau máy bay", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
"Trong khu vực cách ly, họ không tạo thêm các rủi ro", ông Walters nói.
Sau khi máy bay hạ cánh, 14 người nhiễm bệnh được đưa tới bệnh viện để theo dõi và điều trị. 5 hành khách khác cũng bị cách ly sau khi có dấu hiệu sốt.
Những người còn lại ở lại căn cứ không quân Travis ở California hoặc căn cứ không quân Lackland ở Texas, nơi họ sẽ bị cách ly thêm 14 ngày.
Theo NYT, các nhà dịch tễ học cho biết các quan chức Mỹ hết sức khó khăn khi quyết định để những người nhiễm bệnh lên máy bay.
Sau Mỹ, một vài quốc gia khác cũng đang lên kế hoạch đưa công dân trên Diamond Princess về nước, trong đó có Australia.
Một bác sỹ Australia cho biết họ buộc phải để những người bị ốm hiện tại và trong 48 giờ tới ở lại trên tàu, chỉ đưa những người khỏe mạnh trở về.
Vào cuối ngày 17/2, cơ quan y tế Nhật thực hiện thêm các xét nghiệm với toàn bộ hơn 2.000 người còn lại trên tàu, các hành khách có thể rời khỏi tàu từ ngày 19/2 nếu được xác nhận không bị nhiễm bệnh. Những hành khách cuối cùng sẽ rời tàu vào ngày 22/2.
Trong cuộc họp báo ngắn hôm 17/2, Shigeru Omi, Chủ tịch Tổ chức Y tế Cộng đồng Nhật Bản nói rằng Tokyo đã đúng đắn khi quyết định cách ly con tàu khi nó cập cảng Yokahama hôm 3/2.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, ít nhất 71 người Mỹ trên tàu đã nhiễm Covid-19. Nhiều người trong số họ đang được điều trị tại các bệnh viện ở Nhật Bản.
John Haering, 63 tuổi được đưa đến một bệnh viện ở tỉnh Chiba vào tuần trước. Haering nói ông cảm thấy bị mắc kẹt trong phòng cách ly. Vợ ông, Melanie đã trở về Mỹ trên chuyến bay điều lệ.
"Tôi rất vui vì cô ấy rời khỏi đây. Tuy nhiên, tôi cũng thấy buồn", ông cho hay
Haering đã hết sốt nhưng do kết quả chụp CT cho thấy vẫn còn dấu hiệu nhiễm trùng phổi, ông vẫn bị giữ lại. Ngày mai (19/2), Haering sẽ làm thêm xét nghiệm mới.
"Tôi đã hỏi bác sĩ nếu kết quả của tôi âm tính thì sao. Anh ấy chỉ lắc đầu và nói, 'Tôi không biết. Đó là rất nhiều điều mà họ không biết'", ông nói.
Không ai từ Princess Cruise - công ty vận hành Diamond Princess hay Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo liên lạc với Haering. Ông chỉ nhận được một cuộc điện thoại và email nhắc liên lạc với Princess Cruise để biết thêm thông tin về cách ông trở về.
"Thật đáng sợ. Có cảm giác bị bỏ rơi", ông Tung Pi Lee, 79 tuổi, người đang điều trị trong một bệnh viện ở Tokyo cho biết.
Giống như Haering, vợ của Lee bay về Mỹ trên chuyến bay điều lệ.
Một số họ hàng của ông nằm trong số 14 hành khách nhiễm bệnh. 2 người được đưa tới Nebraska, 1 người tới California để điều trị.
Joann LaRoche Lee, con gái Lee nói cô vui vì họ hàng của mình trở về Mỹ điều trị thay vì bị bỏ lại ở Nhật Bản.